Treo tính mạng trên những chiếc bè “tử thần”

(PLO) -Hơn 200 hộ dân ở xóm Mặc, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn - Hòa Bình) hàng ngày đi lại qua sông Bưởi bằng những chiếc bè thiếu an toàn mà không hề có bất cứ phương tiện cứu sinh nào.
Treo tính mạng trên những chiếc bè “tử thần”

 Người dân ở đây cho biết, những chiếc bè đơn sơ được kết từ những thân tre, luồng… là phương tiện qua sông suốt nhiều thế hệ. Do chợ phiên Lâm Hóa, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) chỉ cách xóm Mặc con sông Bưởi nên những ngày chợ họp, hàng chục người bất chấp tất cả để “đánh đu” với tính mạng bản thân. Họ chỉ vịn duy nhất vào sợi dây thừng nối hai bờ để qua sông.

Hơn 200 hộ dân xóm Mặc hàng ngày đi lại qua con sông Bưởi bằng bè tre do một người điều khiển bằng cách vịn vào sợi dây thừng được buộc vào cọc 2 bên bờ sông.

 Người dân xóm Mặc “phân công” mỗi năm một hộ sẽ đảm nhiệm việc lái bè. Đã có nhiều vụ tai nạn do sơ ý ngã xuống sông Bưởi khi đi bè. Thế nhưng, đến nay vẫn không có bất kỳ một phương tiện cứu sinh nào trên những chiếc bè “tử thần” này.

 Sợi dây thừng buộc vào những chiếc cọc 2 bên bờ sông Bưởi được dùng như một dụng cụ lái bè. 

Những ngày họp chợ phiên Lâm Hóa, lượng người qua sông tấp nập, bè liên tục được điều khiển sang sông.

Hai chiếc bè đưa đón ngược xuôi cùng lúc vịn chung vào sợi dây thừng. Không ít người đã sảy chân rơi xuống sông Bưởi khi 2 chiếc bè va vào nhau.

Mùa mưa lũ, nước sông Bưởi dâng cao, việc qua sông đặc biệt nguy hiểm

Giá vé mỗi lượt qua sông là 1000 đồng/1 người, xe máy là 5000 đồng. Ngày chợ phiên họp được ấn định là thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Dĩ nhiên, những ngày này, mỗi chiếc bè với chiều dài 9m, chiều rộng hơn 1m rất đông khách. Bè có thể chở nhiều nhất 12 người.

Khi được hỏi tại sao bến đò không có phao hay áo phao cứu sinh, ông Bùi Văn Sất (55 tuổi) nhận thầu bến đò cho biết: “Từ khi tôi sinh ra đã có bến đò này và cũng chưa bao giờ người dân ở đây sử dụng các phương tiện cứu sinh”.