Con ăn trộm công ty cha bảo vệ
Trước đó, rạng sáng ngày 28/10/2014, lợi dụng sơ hở trong việc trông coi quản lý tài sản, Trần Nhật Duy (SN 1986, ngụ TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lén lút trèo tường, đột nhập vào kho thu hồi phế liệu của Công ty điện lực Thừa Thiên - Huế. Duy lấy trộm tám cuộn dây điện phế liệu bằng kim loại đồng có trọng lượng 47kg vận chuyển ra ngoài cất giấu. Tuy nhiên, khi Duy lấy xe máy dựng sẵn bên ngoài chuẩn bị chở dây điện đi thì bị lực lượng công an phường đi tuần tra phát hiện và bắt giữ cùng tang vật. Theo hội đồng định giá tài sản, 47 kg đồng phế liệu có trị giá 4,7 triệu đồng. Duy bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản”.
Không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm bị cáo Duy chỉ biết làm thuê làm mướn, hết phụ thợ hồ, lại xoay qua bốc vác. Công ty bị cáo đột nhập vào ăn trộm, lại chính là nơi người cha Duy đang làm bảo vệ. Vì hành động sốc nổi của con trai, người cha suýt chút nữa đã đánh mất chén cơm.
Tại sao bị cáo biết trong kho phế liệu của công ty có tài sản giá trị mà vào ăn trộm? Bị cáo khai, thời gian trước từng làm “phu” bốc vác thuê ở kho phế liệu, nên biết bên trong thường có chứa những cuộn dây đồng hư hỏng, có thể mang bán phế liệu kiếm tiền.
1h sáng hôm ấy, Duy vượt rào, chui qua khoảng hở giữa bờ tường và mái nhà kho để đột nhập vào bên trong mà không cần phải phá khóa. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, lúc trở ra lại gặp đúng tổ công an đang tuần tra.
“Bần cùng sinh đạo tặc”
HĐXX hỏi bị cáo: “Bị cáo khỏe mạnh, đủ chân tay, sao không tự đi làm ăn, đêm hôm lại đi trộm?”.
Bị cáo cúi thấp đầu, giọng lí nhí kể khổ. Thời gian đó, gia đình bị cáo lâm hoàn cảnh khó khăn. Mẹ bệnh tật phải nằm một chỗ, vợ bị cáo bận bịu con nhỏ phải ở nhà vừa chăm mẹ, vừa chăm hai đứa con. Cha bị cáo làm bảo vệ, lương chẳng được nhiều nhặn gì. Công việc bị cáo bấp bênh, giữa mùa mưa gió nên bữa có bữa không, nghèo đói, túng bấn cứ đeo đuổi.
“Bị cáo là trụ cột chính của gia đình nhưng bất lực vì không kiếm đủ tiền nuôi vợ con, lo cho mẹ bệnh tật. Trời mưa gió, nhìn con khóc vì thèm sữa, bị cáo không đành lòng nên mới đi ăn trộm đồ phế liệu, định khi bán được sẽ mua sữa cho con. Không ngờ…”, giọng nghẹn nghẹn, đứt quãng, người đàn ông lúng túng đưa tay lau vội giọt nước mắt vừa chảy xuống má.
Người vợ đứng bên ngoài hành lang lặng lẽ khóc. Thấy mẹ thút thít khóc, hai đứa bé liền òa khóc theo, khiến góc hành lang tòa án bỗng chốc ồn ào, náo loạn. Một vài người thân ngồi trong phòng xử tất tả chạy ra ngoài, giúp người mẹ trẻ dỗ dành hai đứa nhỏ.
“Con bé mới có 23 tuổi chứ mấy, mà đã một nách hai đứa con. Nhỏ quá nên chăm con vẫn còn lóng ngóng lắm”, một người cám cảnh. Nhìn vợ con nheo nhóc bên ngoài, bị cáo nén lại tiếng thở dài, gương mặt dài thượt, thẫn thờ.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, đề nghị mức án từ 6 – 9 tháng tù. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, kiểm sát viên còn đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn” theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng không có căn cứ nên bác bỏ, tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam.
Vừa nghe mức án được tuyên, cha con, vợ chồng bị cáo ôm nhau khóc nơi vành móng ngựa, khiến người dự khán không khỏi ngậm ngùi.
“Vợ con bị cáo không biết để ai nuôi?”
Cho rằng mức án quá nặng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại là lao động chính trong nhà nên bị cáo Duy kháng cáo xin được hưởng án treo.
Sáng 7/7/2015, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Không “bầu đoàn thê tử” như phiên tòa trước, bị cáo đến tòa cùng người chị vợ và cô em gái.
“Lần trước chị dâu bồng con đến, nhưng hai đứa nhỏ khóc nhiều quá, nên hôm nay cả ba mẹ con đều ở nhà”, em gái bị cáo kể. Cô phân trần: “Nghèo quá mới quẫn trí làm liều, chứ anh tôi hiền lắm. Người ta nói lười lao động mới đi ăn trộm nhưng có phải lười mô, anh siêng năng lao động, làm hoài mà vẫn nghèo đói đó chớ”.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra lặng lẽ, nhanh chóng, VKS tỉnh cho rằng, hành vi của bị cáo chưa thật sự gây nguy hiểm nghiêm trọng cần phải cách ly khỏi cộng đồng để giáo dục, nên đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo, chuyển từ tù giam sang hưởng án treo.
Được nói lời sau cùng, bị cáo vừa nói vừa khóc: “Bị cáo biết hành vi của mình là sai trái, bị cáo rất hối hận. Mong HĐXX xem xét, cho bị cáo hưởng án treo, để còn ở nhà làm lụng, nuôi vợ con. Bị cáo là lao động chính trong nhà. Mẹ bị cáo đang bệnh, bị cáo có hai con nhỏ. Bị cáo đi tù, sợ vợ con bị cáo ở nhà, không có ai nuôi.”
Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, tuyên giảm mức án từ 6 tháng xuống còn 3 tháng tù giam. Bị cáo thẫn thờ, chẳng biết buồn hay vui. Người chị vợ động viên: “Ba tháng cũng nhanh thôi, cố gắng cải tạo cho tốt rồi về với vợ con. Xem như đây là bài học lớn, để sau này không vấp phải lần hai”.
Em gái bị cáo mặt méo xệch, như sắp khóc: “Thôi đi về anh, chuẩn bị còn để đi tù”. Ba bóng người lầm lũi ra khỏi tòa án dưới cơn mưa lất phất ngày trở gió./.