Chấn chỉnh thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, địa phương đến cán bộ, công chức, chiến sĩ, viên chức và nhân dân”, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị.

Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mới chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn chấn chỉnh thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp Bạc Liêu tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức... về các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp Bạc Liêu tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức... về các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Văn Thiều, trong thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua đó góp phần răn đe, giáo dục ý thức và chấp hành pháp luật của Nhân dân, duy trì trật tự và ổn định xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân ở địa phương.

Tuy nhiên, kết quả việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, còn những hạn chế nhất định như: thực hiện chưa đầy đủ trình tự, thủ tục quy định; hồ sơ chưa đảm bảo tính chặt chẽ, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt không kịp thời; tổ chức thi hành quyết định xử phạt chưa nghiêm túc, nhiều trường hợp để lại hậu quả khó khắc phục, tình trạng buông lỏng quản lý còn xảy ra nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Để chấn chỉnh thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới, ông Phạm Văn Thiều đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, địa phương đến cán bộ, công chức, chiến sĩ, viên chức và Nhân dân.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, công chức, chiến sĩ, viên chức để tham mưu người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính.

Các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm hành chính, góp phần răn đe có hiệu quả các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Qua đó, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật; ban hành và tổ chức thi hành kịp thời các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền đã có hiệu lực tiến hành cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện thi hành theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình xem xét để xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, không giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.

“Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ có hành vi sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản, hạn chế quyền của người vi phạm; dung túng, bao che, tác động, tiếp tay, không xử phạt vi phạm, can thiệp trái pháp luật hoạt động xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền”, ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.

Đọc thêm