Chấn động vì tỷ phú đi học vướng bê bối xâm hại tình dục

(PLO) - Tỷ phú Trung Quốc Lưu Cường Đông (Richard Liu), người sáng lập kiêm CEO của trang bán lẻ trực tuyến Trung Quốc JD.com bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp ở hạt Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hôm 31/8.
Lưu Cường Đông (giữa) rời Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, sau phiên họp khai mạc quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3
Lưu Cường Đông (giữa) rời Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, sau phiên họp khai mạc quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3

Theo hồ sơ của cảnh sát, Lưu bị nghi ngờ có hành vi cưỡng hiếp cấp độ một. Chính quyền bang Minnesota xác định cưỡng hiếp cấp độ một là mức độ phạm tội nghiêm trọng nhất liên quan đến hành vi "xâm hại tình dục người khác". Nạn nhân chưa đệ đơn tố cáo đối với Lưu nhưng bộ phận phụ trách tội phạm tình dục của sở cảnh sát Minneapolis đang tiếp tục điều tra.

Lưu Cường Đông đã trở về trụ sở của JD.com ở Bắc Kinh sáng 4/9 sau khi được thả khỏi nhà tù của hạt Minneapolis chiều 1/9 vì cảnh sát cho rằng không cần tiếp tục giam giữ ông trong thời gian điều tra. 

"Chúng tôi đang tích cực điều tra sự việc. Mối quan tâm của chúng tôi là cung cấp các dịch vụ cho người tố cáo và đảm bảo quyền lợi cho ông Lưu", phát ngôn viên của sở cảnh sát nói. Vẫn người này cho biết ông Lưu được thả không cần bảo lãnh để "chờ đơn tố cáo chính thức". Nếu bị truy tố và kết tội, Lưu, 45 tuổi, có thể phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm.

Cùng ngày, cổ phiếu JD.com giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng qua ở thị trường Mỹ khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động của cuộc điều tra.

Trong một thông cáo được đăng trên mạng xã hội Weibo, JD.com xác nhận ông Lưu, người còn được gọi là Richard Liu, bị bắt do "bị cáo buộc nhầm" trong một chuyến công tác. Thông cáo này mâu thuẫn với tuyên bố của cảnh sát Mỹ, cho biết thêm rằng giới chức không tìm thấy bằng chứng về sai phạm của Lưu và đã phóng thích để ông tiếp tục chuyến đi.

Ông chủ công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc

Được thành lập năm 1998, JD.com lọt top 500 công ty toàn cầu do tạp chí Fortune bình chọn, là công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc. Hồi tháng 6, Google tuyên bố sẽ đầu tư hơn nửa tỷ USD vào JD.com như một phần trong chiến lược mở rộng dịch vụ bán lẻ khắp thế giới. Chuỗi cung ứng và hậu cần của JD sẽ kết hợp với công nghệ của Google để tạo ra ngành bán lẻ mới ở các khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu.

Lưu sinh ngày 10/3/1973 tại Giang Tô. Ông học ngành xã hội học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhưng dành phần lớn thời gian để học lập trình máy tính và tốt nghiệp năm 1996. Tháng 6/1998, Lưu khởi nghiệp với công ty riêng Jingdong tại khu công nghiệp công nghệ cao Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh với vai trò là nhà phân phối các sản phẩm từ quang. Tính đến 2003, ông đã mở 12 cửa hàng.

Dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát năm 2003 khiến các nhân viên và khách hàng của Jingdong phải hạn chế ra đường. Điều này khiến Lưu suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh và chuyển sang kinh doanh trực tuyến. Ông thiết lập trang web bán lẻ JD.com (viết tắt của Jingdong) vào năm 2004. Một năm sau, Lưu cho đóng cửa tất cả cửa hàng kinh doanh bên ngoài và trở thành công ty thương mại điện tử.

Ước tính đến đầu năm 2018, Lưu có tài sản khoảng 12,7 tỷ USD. JD.com hiện chỉ đứng sau Alibaba trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc.

Trước khi kết hôn, Lưu Cường Đông từng có hai người bạn gái công khai. Ông hẹn hò với cô gái có tên Cung Tiểu Kinh khi cả hai là sinh viên Đại học Nhân dân Trung Quốc. Cái tên Jingdong được đặt bằng cách ghép chữ cuối trong tên Cung Tiểu Kinh với chữ cuối trong tên Lưu Cường Đông. Hai người hẹn hò được vài năm nhưng sau đó chia tay vì khác biệt trong quan điểm điều hành doanh nghiệp. Cung rời công ty và trở thành nhân viên chính phủ.

Bạn gái tiếp theo của ông là Trang Gia, một nhân viên cấp cao của JD. Mối tình công sở được hé lộ vào tháng 7/2012, khi người dùng Weibo phát hiện hai người đăng ảnh tương tự nhau. Hai người chia tay sau ba năm hẹn hò, Trang Gia thôi việc ở JD.

Có những ý kiến cho rằng những doanh nhân như Lưu "trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một sức mạnh toàn cầu". "Sách của họ là những cuốn bán chạy nhất. Những bài phát biểu của họ về thành công và kinh doanh liên tục được phát trên các màn hình TV tại sân bay. Cuộc sống riêng của họ được bàn tán sôi nổi trên các báo. Trên thực tế, họ là những ngôi sao nhạc rock trong Thời đại Vàng của Trung Quốc và ông Lưu là một trong những ngôi sao sáng nhất", một bài báo viết.

Tỷ phú vẫn đi học

Lưu bị bắt khi đang ở Minneapolis để hoàn thành chương trình tiến sĩ quản trị Kinh doanh Mỹ - Trung của đại học Minnesota. Sở hữu khối tài sản trị giá nhiều tỷ USD cùng các hoạt động kinh doanh trải rộng toàn cầu, Lưu vẫn dành những ngày cuối cùng của tháng 8 tại Minneapolis để hoàn thành chương trình tiến sĩ quản trị kinh doanh Mỹ - Trung của Đại học Minnesota.  Tại sao một trong những thương nhân thành công và nổi tiếng nhất Trung Quốc lại chọn việc học tập tại Minneapolis? Đó là một phần bí ẩn quanh những ngày Lưu ở Minnesota.

Lưu, dù đã 45 tuổi, vẫn là sinh viên của Trường Quản trị Carlson thuộc Đại học Minnesota. Chương trình tiến sĩ mà Lưu theo học là sự hợp tác giữa Đại học Minnesota và Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh giá nhất ở Trung Quốc. Khóa học chủ yếu diễn ra ở Bắc Kinh với một nhóm sinh viên đặc biệt có độ tuổi trung bình 50 và nhiều người trong số đó là lãnh đạo các doanh nghiệp. 

Khóa học này nhằm đáp ứng nhu cầu của một nhóm người đang tăng nhanh ở Trung Quốc: các giám đốc điều hành cấp cao. Không giống như Mỹ, nơi các tỷ phú công nghệ như Mark Zuckerberg, Bill Gates dám rời bỏ trường đại học để khởi nghiệp, các giám đốc điều hành Trung Quốc tìm kiếm sự tán dương về học vấn sau khi đã có một sự nghiệp ổn định.

"Nếu bạn có tấm bằng cao hơn và nền giáo dục tốt hơn, bạn sẽ được công nhận nhiều hơn. Trung Quốc rất chú ý đến bằng cấp", Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định. 

Tuy nhiên, trong trường hợp của Lưu Cường Đông, vấn đề không chỉ ở học vấn. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thăm dò thị trường nước ngoài hy vọng sẽ thâm nhập mạng lưới và hiểu rõ mục tiêu lâu dài của họ.

"Đối với những người như Richard Liu, mục đích của họ không phải nhằm hiểu biết nhiều hơn người khác. Ông ấy tham gia khóa học chắc chắn nhằm mở rộng tầm nhìn, học ý tưởng mới để hiểu hơn về xã hội và thị trường Mỹ", Freeman Shen, một cựu sinh viên trường Carlson nhận định. 

Sri Zaheer, hiệu trưởng trường Carlson, cho biết khóa học của Lưu thường kéo dài 4 năm. Giữa khóa học, sinh viên sẽ đến Minnesota vào mùa hè, làm việc với các cố vấn dày dạn kinh nghiệm và gặp giám đốc điều hành hàng đầu của những doanh nghiệp địa phương có tiếng. 

"Họ đang ở giai đoạn cảm thấy mình có thể thành công trước khi có cơ hội để thực sự nghĩ tại sao và như thế nào", Zaheer nói về các giám đốc điều hành tham gia khóa học. 

Vợ chồng Chương Trạch Thiên ngày cưới. Ngoài vai trò doanh nhân, Lưu Cường Đông còn là ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.
Vợ chồng Chương Trạch Thiên ngày cưới. Ngoài vai trò doanh nhân, Lưu Cường Đông còn là ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.

Nhưng đó không phải toàn bộ công việc của các nhóm sinh viên cấp cao khi họ đến Minneapolis. Một phần quan trọng của khóa học liên quan đến việc mang đến cho các giám đốc điều hành Trung Quốc sự trải nghiệm về nước Mỹ. "Họ từng được đưa đi xem các trận bóng bầu dục và Viện Nghệ thuật Minneapolis nên chúng tôi cũng muốn cho họ tiếp xúc thêm với văn hóa Mỹ", bà nói thêm.

Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao, Đại học Minnesota vẫn tiếp tục chào đón các sinh viên đến từ châu Á. Đây cũng là một trong những trường đầu tiên tiếp tục trao đổi sinh viên sau khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối những năm 1970. Năm 2008, trường mở văn phòng ở Bắc Kinh để tăng cường hợp tác.

Theo Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, xu hướng lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài học mới chỉ bắt đầu và sẽ tăng lên. "Nó sẽ tăng lên bởi vì có nhiều doanh nhân muốn nghiên cứu về những vấn đề mới, thách thức mới", Wang nói. "Nền kinh tế thị trường không bắt đầu ở Trung Quốc, bởi vậy khá dễ hiểu khi doanh nhân tìm đến các trường nước ngoài để học tập và nghiên cứu".

Lưu Cường Đông kết hôn với Chương Trạch Thiên vào năm 2015. Chương, kém Lưu 19 tuổi, trở thành hiện tượng mạng vào năm 2009 khi bức ảnh cô cầm một cốc trà sữa được chia sẻ rộng rãi, khiến cô được đặt biệt danh "em gái trà sữa". Cô đã xuất hiện trong một video quảng bá Thế vận hội Trẻ Mùa hè năm 2014 ở Nam Kinh nhưng từ chối đóng phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Chương được nhận vào Đại học Thanh Hoa, một trong các trường hàng đầu Trung Quốc, vào năm 2011. Đầu năm 2014, cô gặp Lưu khi đang học tại Đại học Barnard ở New York với tư cách là sinh viên trao đổi.

Khoảng cách tuổi tác giữa hai người đã khiến mối tình thu hút sự chú ý của công chúng, các bức ảnh ghi lại những cuộc hẹn hò của họ tại New York được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngày 10/4/2014, Lưu xác nhận mối quan hệ trên Weibo. Ngày 8/8/2015, hai người đăng ký kết hôn ở Bắc Kinh. Hai tháng sau, họ tổ chức lễ cưới tại Sydney và có con gái đầu lòng tháng 3/2016.

Chương có hơn 1,5 triệu người theo dõi trên Weibo. Với sự nổi tiếng trên mạng của mình, Chương đã phụ giúp doanh nghiệp của chồng bằng cách quảng bá danh mục thời trang và hàng xa xỉ của JD.com.

Cô nằm trong danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí kinh doanh New Fortune năm 2017, khiến cô trở thành một trong những nữ tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc. Cô cũng đứng thứ 16 trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc của Forbes.

Chương thường xuyên đại diện cho JD để xuất hiện tại các sự kiện lớn. Cô gặp Bill Gates khi ra mắt một nền tảng gây quỹ tháng 3/2017, tham gia Gala của Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ tháng 4/2017. Cô còn xuất hiện tại thảm đỏ trong Liên hoan phim quốc tế Cannes hay tuần lễ thời trang cao cấp ở Paris.

Lưu Cường Đông từng trả lời về lý do yêu Trạch Thiên: "Tôi thường không phân biệt được ai đẹp, ai không đẹp. Thật lòng, tôi ở bên cô ấy không phải vì cô ấy xinh đẹp, bởi bản thân tôi còn không biết cô ấy có đẹp hay không".

Đọc thêm