“Những vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước đều biết, đều day dứt, băn khoăn, nhưng đa phần không tìm được cách giải quyết tối ưu. Một số không biết phải làm thế nào, số khác thì có lợi ích liên quan nên buông xuôi...", ông Phạm Huỳnh Công, nguyên Chánh Thanh tra Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định về "bệnh" của ngành du lịch.
Chèo kéo khách du lịch là cảnh tượng không hiếm gặp. |
Lắt lay chờ hết chương trình văn nghệ để được… về khách sạn
Là người có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch Việt Nam, nhưng ông Phạm Huỳnh Công không khỏi cảm thấy buồn vì môi trường du lịch Việt Nam đang xuống cấp. “Môi trường du lịch bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hôi nhân văn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, môi trường xã hội nhân văn trong du lịch đã thành một căn bệnh đang lăm le “hạ sát” nghành du lịch nước nhà”, ông Công nhận định.
Có những ví dụ tưởng chừng rất nhỏ, lại đang tích tụ thành “phốt” lớn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của khách du lịch cả trong nước và thế giới đối với ngành du lịch Việt Nam.
Bản thân ông Công, trong kỳ vọng “khoe” Vịnh Hạ Long với bạn bè quốc tế để vận động bầu chọn, đã phải lay lắt ngoài đường chờ xong chương trình biểu diễn trong sự kiện xúc tiến, quảng bá cho Vịnh Hạ Long, để được vào khách sạn Bạch Đằng – nơi ông đặt phòng nghỉ, vì trình bày kiểu gì thì cảnh sát bảo vệ sự kiện cũng không linh động với lý do “khách trong sự kiện VIP hơn khách du lịch”. Vừa mệt và khó chịu với cách hành xử “không du lịch”, ông Công còn phải tìm cách “giữ thể diện” trước bạn bè quốc tế về môi trường du lịch nước nhà.
Cũng không ít khách du lịch cả trong nước và quốc tế “một đi không trở lại” với kỳ quan thiên nhiên, khi gặp cách cư xử rất “đuổi khách” của những chủ dịch vụ ở đây. Thuê cả chuyến tàu với giá trời ơi, thay vì “xem được tất” như lời người bán vé giới thiệu, khách được đi khoen khoẻn một góc Vịnh, lên hai hang, đến một lồng bè nuôi cá, vừa đi vừa phải đối phó với hàng chục người bán hàng rong chìa tận mặt mời mua “thuốc sung sướng của Tàu xịn”(!).
Đến Đền Trần ở Kiếp Bạc, khách được bủa vây với “đặc sản” bói toán ngay trước sự hiện diện của nhiều “người đeo băng đỏ”. Về Đền Đô thờ các Vua nhà Lý tại Bắc Ninh thì hàng quán ê hề xâm lấn lối vào. Ở đền Ngọc Sơn, giữa trung tâm Thủ đô, khách không ngắm nghía được gì bởi mặt lúc nào cũng bị che bởi cơ man quạt giấy, tranh ảnh, đồ lưu niệm… Khách du lịch luôn nơm nớp trong tâm trạng của người bị “săn”.
Ngay cả “người đại diện” của cả nền công nghiệp du lịch nước nhà trong mắt khách là hướng dẫn viên cũng tìm mọi cách “moi” tiền tip của khách mà không quan tâm tới nâng cao chất lượng phục vụ, hoặc chỉ chăm chăm đưa khách vào mua hàng để được “hoa hồng cám ơn”.
Phần chìm của tảng băng
Cho rằng bản chất môi trường du lịch là văn hóa du lịch, ông Công nhận định, môi trường du lịch gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Trong khi đó, những năm qua, chúng ta chỉ chú ý đến môi trường tự nhiên, mà không quan tâm đúng mức tới môi trường xã hội nhân văn. Có địa phương, người dân làm du lịch theo kiểu “nhịn ăn ba mùa, mài dao chờ mùa lễ hội”.
Còn những người có trách nhiệm về du lịch ở các địa lại trong tình trạng không chuyên nghiệp vì không phải là công việc theo nghề, theo chức danh, lại bị thay đổi thường xuyên. Rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước về du lịch chưa có trình độ đại học về du lịch...
“Những việc này, các cơ quan quản lý nhà nước ở bất cứ địa phương nào cũng đều biết cả, đều day dứt, băn khoăn, nhưng đa phần không tìm được cách giải quyết tối ưu. Một số không biết phải làm thế nào, số khác thì có lợi ích liên quan, nên buông xuôi”, ông Công nói.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ đời sống kinh tế - xã hội và quyền lợi của người dân gắn liền với phát triển kinh tế du lịch. Nếu ngành du lịch biết chia sẻ lợi ích, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, gắn quyền lợi chính đáng của người dân với phát triển du lịch, thì tất yếu toàn dân, toàn xã hội sẽ tự nguyện, thực hiện vì nó gắn với quyền lợi thiết thực của dân. “Chúng ta đã có một số ít địa chỉ làm khá tốt việc này như Hội An, Phong Nha, Đà Nẵng, Phan Thiết … Những nơi chưa tốt như Đường Lâm, Đồng Văn…”, ông Công bình luận.
Ngoài ra, luật pháp chưa có định chế tôn trọng tương xứng đối với khách du lịch, bởi họ dễ bị tổn thương do khác biệt về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, xa lạ về địa hình, giao thông… Khách du lịch chính là tài sản quốc gia, là “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế du lịch. “Xâm hại khách du lịch là xâm hại nhiều khách thể trong đó có quốc thể và danh dự truyền thống địa phương. Điều này có liên quan đến nhiều lĩnh vực luật pháp”, nguyên Chánh thanh tra Tổng cục Du lịch nhận định.
Không cần thiết thành lập Cảnh sát du lịch Ông Phạm Huỳnh Công cho rằng không cần thiết thành lập Cảnh sát du lịch, bởi những nguyên nhân dẫn đến môi trương du lịch bị xâm hại thuộc về những yếu kém trong nội tại, do công tác quản lý nhà nước kém hiệu quả. Còn những vi phạm bề nổi như chèo kéo khách, ô nhiễm môi trường… đã có Cảnh sát trật tự, Cảnh sát môi trường… và chính quyền các cấp, thanh tra, nhân dân… Vấn đề là chúng ta phải phát huy được hiệu quả hoạt động của các lực lượng liên quan nhằm giữ gìn môi trường du lịch. |
Thu Hương