Chặn nguy cơ tẩu tán tài sản tham nhũng bằng cách nào?

(PLO) -Hôm nay (21/11), Quốc hội (QH) dành cả buổi sáng và một nửa buổi chiều để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Trước đó, thảo luận ở tổ về nội dung này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ý băn khoăn nhiều về các quy định liên quan đến việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập được nêu trong dự thảo Luật. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Buộc kê khai tài sản với con đã thành niên 

Một trong những quy định mới liên quan đến vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập được nêu trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) là quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Điều 40 của dự thảo giữ nguyên quy định hiện hành về nghĩa vụ kê khai nhưng có điều chỉnh cho rõ ràng hơn theo hướng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. 

Thẩm tra Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 78/hơn 1,1 triệu người đã kê khai (giảm 81,4% so với năm 2016) và kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm… trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận… 

Theo Ủy ban Tư pháp của QH, nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực; chưa có cơ chế xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp… 

Thảo luận về dự án Luật, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật chỉ quy định kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của con chưa thành niên – là nhóm đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có tài sản - trong khi con đã thành niên là nhóm đối tượng có khả năng “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng lại không phải kê khai là “bỏ sót”. Do đó, ĐB Hiểu đề nghị mở rộng theo hướng quy định kê khai tài sản với cả con đã thành niên để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ. 

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dẫn trường hợp “kỳ lạ” là con gái của một cán bộ ở TP HCM được phản ánh đứng tên sở hữu biệt phủ dù mới 19 tuổi và cho rằng “có điểm bất thường ở đây”. Do đó, ĐB Trí cho rằng việc buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát tham nhũng hữu hiệu. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng cho rằng dự thảo Luật còn hạn chế khi chưa đề ra được giải pháp ngăn chặn cá nhân tham nhũng tuồn tài sản cho người thân vì trên thực tế có hiện tượng các đối tượng tham nhũng để cho anh, chị, em ruột hoặc cha mẹ là những cán bộ về hưu đứng tên tài sản. Ngoài ra, dẫn vụ VN Pharma vừa qua, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng kiến nghị phải đưa vào Luật quy định về việc phải kê khai tài sản với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng.

Bên cạnh đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận định, thời gian qua đã có những người Việt mua nhà trị giá hàng triệu USD ở nước ngoài. Những người này, theo ĐB, cũng không loại trừ khả năng có những người có hành vi tham nhũng. Do đó, ĐB đề xuất Luật PCTN (sửa đổi) phải có quy định để ngăn ngừa được khả năng đối tượng tham nhũng câu kết để tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Tăng cường công khai bản kê khai

Về công khai bản kê khai, Chính phủ đề xuất 2 phương án, bao gồm công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc và công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng các phương án Chính phủ trình vẫn chưa có nhiều đổi mới và chưa thực sự cụ thể. 

Theo ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), thời gian qua, việc kê khai tài sản gần như mới chỉ là kê khai rồi nộp và để trong túi hồ sơ mà không công khai rộng rãi để giám sát. Do đó, ĐB Thúy đề nghị bổ sung quy định ngoài việc công khai tại nơi làm việc cần phải công khai tại nơi cư trú để người dân tại đó theo dõi, giám sát. 

Với nhận định hơn 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập mỗi năm là quá rộng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị thu hẹp lại, xác định rõ đối tượng và bổ sung thêm đối tượng ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để kiểm soát tốt hơn. Về nơi công khai, theo Phó Chủ tịch QH, nếu chỉ công khai ở chi bộ là không hợp lý bởi không phải tất cả cán bộ công chức đều là đảng viên. Do đó, ông đề xuất nên công khai cả ở nơi cư trú để người dân kiểm soát. 

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Công Hồng cho rằng chúng ta còn “bí” trong vấn đề này. Theo ông Hồng, ở nhiều nước, các tài sản không rõ nguồn gốc được quy là tài sản bất minh và tịch thu dân sự. Tuy nhiên, luật pháp của ta hiện không cho phép như vậy nên trong các trường hợp phát hiện tài sản không rõ nguồn gốc thì trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước nên khó giải quyết. Cũng băn khoăn về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất phải quy định trong Luật về các biện pháp xử lý đối với những tài sản không giải thích được để có thể thu hồi được tài sản tham nhũng.

Một số ĐB cũng đề xuất trong quy định về kê khai tài sản cần hướng tới những lĩnh vực, ngành, nhóm, người có nguy cơ tham nhũng để tập trung kê khai tài sản, thu nhập nhằm ngăn ngừa cán bộ, công chức ở vị trí việc làm nhạy cảm có khả năng nhũng nhiễu, hạch sách dân hòng thu lợi bất chính.  

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Công cụ phòng ngừa rất quan trọng

“Người tham nhũng là những công chức, viên chức có trình độ, có hiểu biết. Một khi họ có ý đồ giấu giếm thì việc phát hiện rất khó khăn. Do đó, trong PCTN, quan điểm của cá nhân tôi phòng là chính, phải thiết kế làm sao để có khuôn khổ pháp lý mà người muốn tham nhũng không thể tham nhũng, chứ để tham nhũng rồi mới phát hiện, xử lý cũng hết sức đau lòng. 

Theo luật cũ, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là hơn 1,1 triệu người nhưng kê khai rồi khi kiểm tra vẫn còn hình thức. Việc cơ quan nào có thẩm quyền đi kiểm tra sự trung thực trong kê khai tài sản đó cũng rất quan trọng. Lần này, khi sửa luật phải tập trung trí tuệ tập thể, tính toán đối tượng để làm sao quản lý được và buộc đối tượng kê khai phải trung thực và phải báo cáo nguồn gốc rõ ràng. Nếu làm tốt được việc này thì vừa phòng ngừa tham nhũng, vừa ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. Cho nên công cụ phòng ngừa rất quan trọng”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đối tượng biết trước việc bị xử lý nên tìm mọi cách tẩu tán tài sản

“Năm 2017, tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng chiếm 29% số lượng tiền và 50% số lượng đất đai, tài sản. Nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỉ lệ thấp là do các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, có tổ chức, thời gian khá lâu bị phát hiện. Các vụ án tham nhũng thường được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian dài. Đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm mọi cách tẩu tán tài sản dẫn đến công tác xác minh thu hồi tài sản có nhiều khó khăn. Một số tài sản đã chuyển trái phép ra nước ngoài, chuyển tiền và bất động sản ở nước ngoài nên trong quá trình thu hồi cần có sự phối hợp với hợp tác quốc tế về tư pháp cũng có chênh lệch pháp lý giữa các nước nên nhiều khó khăn. 

Bởi vậy phải tăng cường công tác quản lý tài sản, công khai việc kê khai tài sản công chức, viên chức nhà nước nhằm phục vụ công tác PCTN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy thu tài sản mà các đối tượng tham nhũng mà có”. 

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau): Cần nghiên cứu ban hành Luật Kê khai tài sản

“Công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng kê khai chính là biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng, vừa giúp phát hiện xử lý những cá nhân có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng. Do đó, tôi đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập đối với cả những người có quan hệ huyết thống gần đối với những người kê khai để hạn chế tẩu tán tài sản. Cần thành lập trang thông tin điện tử về kê khai tài sản thu nhập chính xác và cập nhật thông tin kịp thời; bảo đảm tính minh bạch, công khai, không mật như hiện nay để tất cả người dân đều được giám sát, phát hiện sớm dấu hiệu các hành vi vi phạm tham nhũng. Có như thế mới vận dụng được sức mạnh toàn dân vào cuộc để cùng giám sát, phòng ngừa, phát hiện đẩy lùi tham nhũng. Cần nghiên cứu ban hành Luật Kê khai tài sản nhằm đủ cơ sở pháp lý góp phần hết sức quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, phải có lộ trình giảm lưu lượng lưu thông tiền mặt trong xã hội bằng hình thức sử dụng thanh toán qua tài khoản ngân hàng để Nhà nước kiểm soát được tài sản thu nhập mọi công dân, kể cả cán bộ công chức, viên chức”.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Quan trọng là phải kiểm soát thu nhập của các cá nhân

“Quan trọng nhất là phải kiểm soát thu nhập của từng người. Do đó, nên giữ nguyên quy định kê khai như hiện nay nhưng có hình thức công khai rộng ra, có thể là công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc công khai như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân nhưng đã là công chức, cán bộ thì phải chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì ra ngoài”. 

Đọc thêm