Chặn những âm mưu trục lợi nhân danh nông dân

Không chỉ “mượn” người dân đứng tên trồng lúa, hay “mượn” bà bầu đăng ký thai sản, lâu nay đằng sau mỗi chính sách nhân văn của Nhà nước hướng về người nông dân vẫn luôn có những đối tượng dã tâm trục lợi. Vì vậy, cùng với việc gia tăng lợi ích cho những người đáng được thụ hưởng, chính sách và pháp luật cũng cần dự liệu để ngăn chặn trước những “âm mưu” tương tự. 

Đồng Tháp là một trong số ít các địa phương rốt ráo triển khai bảo hiểm cây lúa vì lợi ích của người dân quê. Thế nhưng, ngay tại Đồng Tháp, lại xẩy ra vụ trục lợi bảo hiểm cây lúa được ghi nhận đầu tiên trên cả nước. 

Cụ thể, hồi tháng 7, Công ty bảo hiểm Bảo Việt Đồng Tháp đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm cây lúa đã cấp cho người dân huyện Tháp Mười từ ngày 1/6 vì “hợp đồng bảo hiểm không được tiến hành chặt chẽ”.   
Người nông dân Đồng Tháp
Người nông dân Đồng Tháp
Trước đó, Bảo Việt Đồng Tháp đã “vô tư” bán bảo hiểm cho khoảng 70 ha đất lúa không có đê bao ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), trong khi diện tích này được Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười khuyến cáo không sản xuất lúa vụ ba vì có nguy cơ mất trắng do lũ. 
Điều đáng nói diện tích này được Công ty Thanh Tùng (TP Cao Lãnh) thuê của nông dân, rồi thuê lại chính chủ ruộng đứng ra canh tác và đứng tên hợp đồng bảo hiểm, nhưng công ty này bỏ tiền ra mua và giữ luôn giấy chứng nhận bảo hiểm cây lúa.
Theo quy định, bảo hiểm cây lúa sẽ được Nhà nước hỗ trợ 60% phí, nông dân góp 40%. Với mức phí bảo hiểm gần 1 triệu đồng/ha lúa và mức bồi thường là 3,6 triệu đồng/ha, Công ty TNHH Thanh Tùng chỉ phải bỏ ra 28 triệu đồng để mua bảo hiểm cho 70ha đất thuê, nhưng sẽ được bồi thường tới 2,5 tỉ đồng nếu toàn bộ diện tích lúa nói trên bị lũ nhấn chìm. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi người dân phát hiện và khiếu nại.
Trong một câu chuyện khác cũng liên quan đến trục lợi bảo hiểm. Cách đây chưa lâu, TAND  tỉnh Trà Vinh đã đã đưa vụ “giám đốc lập công ty chuyên tuyển bà bầu” ra xét xử. Đoàn Văn Cuống đã bị hội đồng xét xử tuyên phạt 4 năm tù vì hành vi lừa đảo tiền trợ cấp thai sản.
Cuống lợi dụng kẽ hở pháp luật trong quá trình chính sách thai sản, đã lập nên Công ty TNHH Truyền thông Online rồi cho người về các vùng nông thôn miền Tây tìm kiếm và dụ dỗ những phụ nữ đang mang bầu, thuyết phục và hứa với họ nếu chấp nhận cung cấp thông tin và để công ty lo thủ tục, thì sinh xong mỗi người sẽ có được 2 – 4 triệu đồng.
Sau khi đã hoàn tất quá trình “đàm phán” với các bà bầu, đối tượng tiến hành đến cơ quan BHXH để khai báo và đóng BHXH, BHYT (công ty sẽ đóng 100% các khoản tiền theo quy định). Đúng 6 tháng sau khi vừa đủ thời gian theo luật định, Cuống cho xúc tiến lập hồ sơ làm thủ tục hưởng chế độ thai sản.
Sau mỗi phi vụ thành công, như vậy tay giám đốc ranh ma và đồng bọn có thể chiếm đoạt toàn bộ tiền chế độ thai sản của bà bầu từ cơ quan BHXH.
Không chỉ câu chuyện “mượn” người dân đứng tên trồng lúa, hay câu chuyện “mượn” bà bầu đăng ký thai sản, lâu nay đằng sau mỗi chính sách nhân văn của Nhà nước hướng về người dân thì vẫn luôn có những đối tượng dã tâm trục lợi. Vì vậy, cùng với việc gia tăng lợi ích cho những người đáng được thụ hưởng, chính sách và pháp luật cũng cần dự liệu trước để ngăn chặn trước những “âm mưu” có thể. 
Đối với riêng cây lúa, điều này càng cần thiết vì từ ngày 23/8/2012,  Quyết định số 2114/QĐ-BTC ngày 24/8/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định  số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều quy định về điều kiện bồi thường, hình thức rủi ro… được điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Đức Tùng

Đọc thêm