Chặn tiêu cực trong việc cho - nhận con nuôi

(PLO) - Trẻ em bị bỏ rơi đã rất đáng thương và hành trình tìm mái ấm gia đình thay thế cho các bé ở cả trong nước và nước ngoài cũng vô vùng gian nan. Điều này càng khó khăn hơn nếu không nhận được sự hợp tác của những bậc sinh thành mà lại bỏ rơi trẻ, trong khi việc xác minh hồ sơ, lấy ý kiến của cha/mẹ đẻ đối với việc cho trẻ làm con nuôi là điều kiện bắt buộc.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ách vì mẹ đẻ “trốn”…  xác minh
Cháu Nguyễn Thùy L. bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra và hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Nội 1. Hồ sơ của cháu thể hiện mẹ cháu là Vương Thị Đắc H., hộ khẩu thường trú của chị H. rất rõ ràng và chị H. khẳng định không hề có chuyện chửa đẻ gì. Nhưng theo hồ sơ do Công an phường cung cấp, chị H. nhận là có vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sinh con là một cháu gái vào ngày 16/1/2012, do gia đình chưa chăm sóc được nên gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để chăm sóc. 
Vì vậy, cán bộ xác minh phải trực tiếp gặp chị H. để làm rõ mâu thuẫn trong kết quả xác minh và trong hồ sơ. Có điều, việc gặp được chị H. để xác minh là hết sức khó khăn bởi liên tục tìm tới nhà chị mà không thấy chị H. có mặt ở nhà. Cơ quan xác minh cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến làm việc với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy đến nay vẫn chưa có kết quả, buộc lòng cơ quan xác minh phải đề nghị Sở Tư pháp chưa giải quyết cho cháu đi làm con nuôi để tiếp tục xác minh.
Trường hợp của cháu Lê Thị H. (sinh ngày 3/7/2010, được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội) còn thương tâm hơn nữa. Trước khi sinh cháu H., mẹ cháu là Lê Thị N. bị đối tượng Nguyễn Quốc Quân (SN 1991, ở Quốc Oai, Hà Nội) cưỡng dâm dẫn đến việc chị N. mang thai. Do chưa đủ căn cứ để buộc tội Quân, Công an huyện Quốc Oai yêu cầu sau khi sinh, chị N. phải báo cho Công an huyện biết để tổ chức giám định làm căn cứ giải quyết tiếp. 
Sau khi sinh cháu H., chị N. và gia đình làm thủ tục tự nguyện cho cháu H. vào Trung tâm để làm con nuôi người nước ngoài. Nhưng sự tự nguyện này lại không được báo với Công an huyện Quốc Oai là chưa đảm bảo về mặt pháp lý vì theo tố cáo của chị N. thì cháu H. là con của cả Nguyễn Quốc Quân, việc cho cháu H. cần phải có ý kiến của Quân. Mặt khác, việc cho cháu H. đi làm con nuôi người nước ngoài sẽ gây khó khăn đối với việc giám định, phục vụ công tác điều tra, giải quyết đơn tố cáo của chị N và gia đình, nên cháu H cũng phải tiếp tục… chờ đợi.
Cần sự phối hợp thật trách nhiệm
Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã nhấn mạnh phải xác định cha/mẹ đẻ của trẻ em để lấy ý kiến đồng ý với việc cho trẻ em làm con nuôi, bảo đảm việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi không vì mục đích trục lợi, không bị đe dọa, mua chuộc, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Riêng trẻ em làm con nuôi nước ngoài còn phải kiểm tra, xác minh hồ sơ trẻ em để xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài. 
Theo quy định của Công ước Lahay, việc xác minh, bảo đảm rõ ràng nguồn gốc của trẻ em là một trong những nhiệm vụ của nước gốc. Làm tốt công tác này chính là góp phần bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ, góp phần phòng ngừa việc bắt cóc, bán và buôn bán trẻ em làm con nuôi, ngăn ngừa việc thu lợi bất hợp pháp liên quan đến việc cho nhận con nuôi và ngăn ngừa tình trạng cho nhận con nuôi trái với mục đích của Công ước Lahay. Sự tham gia của cơ quan Công an trong thủ tục xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài là một biện pháp đảm bảo thực thi các nguyên tắc giải quyết nuôi con nuôi quốc tế theo Công ước Lahay.
Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp cho - nhận con nuôi rất tùy tiện như sau khi sinh con, mẹ đẻ cho con làm con nuôi (trao tay, hoặc giấy viết tay, giấy chứng sinh, chưa đăng ký thủ tục cho - nhận con nuôi) mà không để lại địa chỉ hoặc để lại địa chỉ rồi “trốn”, bỏ đi làm ăn xa không có tin tức gì, thậm chí có người để lại địa chỉ giả. Khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, UBND cấp xã không thể liên hệ với cha/mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật, tương tự trường hợp của cháu L. trên đây. 
Còn trong việc giải quyết con nuôi nước ngoài, thời hạn xác minh 30 ngày chưa được đảm bảo và nội dung xác minh của cơ quan Công an đôi khi chưa rõ ràng… Những hạn chế đó khiến thời gian giải quyết bị kéo dài, trẻ em sẽ càng không nhanh chóng có được mái ấm gia đình thay thế. Để giải quyết vướng mắc, một số ý kiến cho rằng rất cần sự phối hợp thật trách nhiệm của cấp cơ sở nhằm hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết con nuôi. Quan trọng hơn là các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện thống nhất, đúng quy định.

Đọc thêm