Chánh án các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật

(PLVN) -Sáng ngày 5/11, Hội nghị Hội đồng Chánh án ASEAN lần thứ 8 đã khai mạc và thảo luận với hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có Chánh án và các đại biểu Tòa án tối cao các nước ASEAN. 
Chánh án các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến mọi quốc gia, việc tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của Tòa án các nước vượt qua khó khăn, tăng cường sự phối hợp trong hoàn cảnh mới. 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị
 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại điểm cầu tại Hà Nội, có sự tham dự của ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng các vị Đại sứ và đại diện cơ quan ngoại giao các nước ASEAN tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án ASEAN lần thứ 8 thể hiện lòng hiếu khách của đất nước, con người Việt Nam và coi đây là cơ hội để tăng cường gắn kết, thúc đẩy hợp tác giữa Tòa án các nước ASEAN. Kể từ khi chính thức trở thành một thể chế liên kết của ASEAN, Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ) đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường hoạt động và mở rộng phạm vi tương tác với các thể chế, tổ chức khác trong và ngoài khu vực với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa tính dân chủ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy thực thi nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, và tăng cường hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực ASEAN.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Việc hội nhập và xích lại gần nhau giữa các hệ thống tư pháp và pháp luật trong ASEAN dựa trên những chuẩn mực chung được thừa nhận rộng rãi đã và sẽ giúp giảm bớt chi phí thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân ở các nước Đông Nam Á trong hoạt động kinh doanh, di trú và sinh sống; đồng thời cũng giúp tăng cường tính minh bạch và khả năng dự đoán trước của hệ thống tư pháp, giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn và cạnh tranh bình đẳng giữa các nước”.

 

Trong bối cảnh trên, CACJ trở thành một kênh hợp tác quan trọng, giúp Tòa án các nước trong khu vực có điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác. CACJ cũng góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng. Từ chỗ chỉ là một cuộc họp bên lề của Hội nghị Hội đồng điều hành Hiệp hội luật gia ASEAN (ALA), CACJ mà tiền thân là Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (ACJM) đã từng bước trở thành một thiết chế hợp tác chính thức, với những mục tiêu độc lập, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và hoạt động thường xuyên.

 

Tham dự Hội nghị Hội đồng Chánh án ASEAN lần thứ 8, các nước sẽ thảo luận về phương thức thực hiện các ý tưởng, sáng kiến đã đề ra trong các hội nghị trước. Bên cạnh đó, cùng thảo luận về bối cảnh khu vực trước đại dịch Covid-19, những khó khăn, thách thức đặt ra đối với CACJ nói chung, Tòa án các nước nói riêng cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức đó.

“Mặc dù việc tổ chức Hội nghị bằng hình thức trực tuyến nên việc thảo luận của chúng ta có thể gặp một số hạn chế, tuy nhiên tôi tin rằng, các Ngài Chánh án, các Ngài Trưởng đoàn cùng đại biểu của Tòa án các nước tham dự Hội nghị, với tinh thần, trách nhiệm cao sẽ trao đổi một cách cởi mở để Hội nghị đạt kết quả tốt đẹp” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ và tuyên bố khai mạc Hội nghị. 

 

Đọc thêm