Chánh án định “độc quyền” công lý?

Sau khi Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết: “Hai cấp Tòa xử ép người dân trong vụ kiện “bỗng dưng đòi đất”, chúng tôi nhận được công văn phản hồi của TAND tỉnh Đắk Nông, ký tên ông Chánh án Nguyễn Văn Úy đề ngày 17/10/2012...

[links()]Kể cả khi hội đồng xét xử nhân danh nhà nước để tuyên án thì quý vị cũng không hẳn được “độc quyền” về công lý.

Sau khi Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết: “Hai cấp Tòa xử ép người dân trong vụ kiện “bỗng dưng đòi đất”, chúng tôi nhận được công văn phản hồi của TAND tỉnh Đắk Nông, ký tên ông Chánh án Nguyễn Văn Úy đề ngày 17/10/2012. 

Trong công văn này, ông Úy nói rằng, “toàn bộ nội dung bài viết chỉ theo chủ quan của tác giả”, và rằng: “trong khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự”, thì việc tác giả kết luận “hai cấp Tòa đã xử ép gia đình bị đơn một cách vô lý” như vậy  là: “không khách quan, thiếu căn cứ và không đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự”…

Rốt cuộc, ông Chánh án đề nghị Báo phải cải chính. Về vấn đề này, chúng tôi khẳng định ngay rằng, bài viết đã phản ánh trung thực toàn bộ nội dung vụ việc, dựa trên việc phân tích hồ sơ, chứng cứ đã thu thập được sau khi nhận đơn kêu oan của bạn đọc. Nhận định của người viết, là tổng hợp quá trình phân tích hồ sơ và các bản án đã ban hành, có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh Đắk Nông.

Xin lưu ý ông chánh án rằng, cho đến nay pháp luật hiện hành không có điều luật nào “cấm” công dân bình luận về bản án của quý tòa, và, kể cả khi hội đồng xét xử nhân danh nhà nước để tuyên án thì quý vị cũng không hẳn được “độc quyền” về công lý. Báo chí là một kênh để cử tri giám sát hoạt động của quý vị có thực sự “thượng tôn pháp luật” hay không.

Chúng tôi cũng không hiểu sao ông Chánh án lại thắc mắc về việc tác giả bài viết đã đưa ra nhận định Tòa của ông xử ép người dân “trong khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền”? Điều 279 Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định “bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án”, chẳng lẽ phiên tòa xét xử công khai, bản án đã có hiệu lực pháp luật lại không phải là cơ sở để dư luận đánh giá cách sử dụng chứng cứ và đánh giá, phân tích chứng cứ của hội đồng xét xử hay sao? Hay theo ý ông, dư luận phải đợi đến khi có quyết định giám đốc thẩm thì mới được “bàn vào, bàn ra”?

Trở lại nội dung vụ việc, bài viết nhận định TAND tỉnh Đắk Nông xử ép bị đơn một cách vô lý là có cơ sở.

Tại phiên tòa, ông Chính không cung cấp được chứng cứ để chứng minh cho việc ông cho bà Khanh mượn đất (nghĩa vụ chứng minh), không cung cấp được đơn khiếu kiện UBND xã năm 1995 như ông đã trình bày? Trong lúc đó, những nhân chứng khác như chị Nhung, anh Tuấn, bà Bút… đã viết giấy xác nhận việc ông Kiệm, bà Khanh đã mua đứt thửa đất nói trên của ông Chính từ năm 1982-1983.  Chị Nguyễn Thị Nhung - em của ông Kiệm, bà Khanh xác nhận vào khoảng năm 1982-1983 đã cho ông Kiệm, bà Khanh mượn vàng để mua đất của ông Chính.

Chị Nhung cũng trình bày sự việc ông Chính mượn 1 chỉ vàng của ông Kiệm, bà Khanh, vì không có trả đã bán phần đất nói trên để gán nợ. Bà Nguyễn Thị Bút, sinh năm 1944 cũng xác nhận: “Vào khoảng năm 1982-1983, em tôi có trình bày việc mua đất của ông Chính tại cây cày”, và nói rõ thêm “khi làm ăn không hiệu quả, gia đình khó khăn nên không có tiền trả cho em tôi (ông Kiệm, bà Khanh - PV), nên có ý gán lại lô đất để trừ nợ với giá 2 chỉ vàng”...

Về phía bị đơn, mặc dù không đưa ra được chứng cứ để chứng minh đã mua đất của bà Khanh (vì ông Kiệm, bà Khanh đều đã chết) nhưng ngoài những xác nhận của người dân, hàng xóm như trên, còn có một thực tế là đã sống ổn định ở diện tích đất trên từ năm 1989 mà không có tranh chấp gì, đến năm 1999 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc ngang trái này, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều nhân chứng, đều khẳng định ông Chính đã chuyển nhượng thửa đất nói trên cho gia đình bà Khanh với giá 2 chỉ vàng. Và năm 1989, vì nể tình họ hàng và thương gia đình ông Lưỡng khó khăn nên bà Khanh đã chuyển nhượng thửa đất nói trên để gia đình ông Lưỡng làm nhà, ở ổn định từ đó đến nay.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn - con trai bà Khanh còn khẳng định, sau khi cha mẹ anh chết vì tai nạn giao thông (năm 1999), tháng 9/2007, ông Chính có gặp anh Tuấn để hỏi về số vàng 0,5 chỉ mà cha mẹ anh đang nợ tiền mua đất mà ông Lê Lưỡng đang ở từ năm 1983; ngày 20/11/2008 ông Chính lại một lần nữa đến nhà anh Tuấn trao đổi về việc mua bán lô đất và số vàng mà cha mẹ anh đang còn nợ….

Việc Tòa không xem những nhân chứng, chứng cứ đó là cơ sở để xác minh nguồn gốc sự việc, mà chỉ dựa vào việc ông Chính đã khai hoang đất từ trước đó để khẳng định đó là đất của ông Chính, phải trả lại cho ông Chính là “rất vô lý”.

Xin được nói rõ thêm, không chỉ tác giả, mà đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đã nhận định “Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá chứng cứ như trên là có sự sai lầm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án” . Được biết, sau phiên tòa phúc thẩm, VKSND tỉnh Đắk Nông đã 2 lần có công văn về việc báo cáo đề nghị VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án này.                          

PLVN

Đọc thêm