Chấp hành viên, Thừa phát lại là những tuyên truyền viên

Về câu chuyện giữa TPL và các cơ quan THADS chưa đến với nhau, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Nguyễn Đức Chính yêu cầu các bên phải chân thành, không thể có chuyện tuyên truyền ngược về nhau; mỗi chấp hành viên, TPL phải là những người làm công tác tuyên truyền cho hoạt động TPL...

Hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá việc thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại (TPL) vừa được Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP.HCM tổ chức hôm 18/2, tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Nguyễn Đức Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS – Nguyễn Văn Sơn, đại diện lãnh đạo TAND, VKSND TP.HCM, Chi cục THADS tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố và 5 Văn phòng TPL tham dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phải đặt niềm tin vào TPL…

Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS TP.HCM cho biết: Từ ngày 1/11/2011 đến ngày 31/1/2012, Cục THADS TP.HCM và Chi cục THADS 24 quận huyện trên địa bàn đã chuyển giao gần 11,5 nghìn văn bản cho 5 Văn phòng TPL tống đạt theo quy định.

Báo cáo của 5 Văn phòng TPL cũng cho biết, tính đến ngày 31/12/2011, các Văn phòng đã ký được 105 hợp đồng xác minh điều kiện thi hành án. Cùng thời gian trên, các cơ quan THADS cho biết chỉ có 18 biên bản xác minh do các Văn phòng TPL thực hiện được các đương sự sử dụng để yêu cầu THA…

Theo ông Hoàng, trong quá trình thực hiện thí điểm, Cục có trao đổi nghiệp vụ với các Văn phòng TPL liên quan đến việc ngăn chặn xuất cảnh của các đương sự, dù luật chưa quy định Cơ quan THADS hỗ trợ TPL; và để gỡ vướng cho các Văn phòng TPL, Cục đã ban hành ba văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện ngăn chặn xuất cảnh theo yêu cầu của các Văn phòng TPL. Đáp lại, các cơ quan chức năng đã tạm dừng xuất cảnh ba đương sự và đã có hai đương sự thi hành xong nghĩa vụ THA.

Có thể nói, kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL bước đầu giúp cơ quan THADS giảm bớt áp lực công việc, tạo điều kiện cho các chấp hành viên, thư ký có thời gian tập trung vào các công việc chuyên môn khác.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số lãnh đạo, chấp hành viên THADS chưa quan tâm việc triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL, có trường hợp chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm TPL. Điều đáng nói là một số lãnh đạo đơn vị THADS, chấp hành viên chưa tin tưởng và tạo điều kiện cho TPL hoạt động; việc chuyển giao còn mang tính thăm dò, đối phó…

Đến với nhau chân thành

Về vấn đề này, bà Ngô Minh Hồng – Giám đốc Sơ Tư pháp TP.HCM nói: “Chúng ta (THA) chưa giao việc cho người ta (TPL) thì tại sao chúng ta lại ngại, sợ TPL làm không được!”.

Sau khi nghe nhiều ý kiến nêu ra tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho rằng: “Lý do THA ngán ngại không đến mức để chúng ta không thực hiện nhiệm vụ quan trọng này (thí điểm TPL – PV). Nhưng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó mà Cục THADS nêu ra cho thấy có sự lấn cấn và hợp tác chưa thật tốt giữa THA và TPL”.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính chia sẻ:  “Dù các Chi cục THADS cơ bản làm tốt, nhưng có chỗ khi làm các đồng chí còn e ngại; đối phó… như thế chẳng phải từ nhận thức chung đến thực tế của công việc còn khoảng cách?”. 

Thứ trưởng nhấn mạnh:  “Phải nhận thức rằng, chế định TPL ra đời để làm công tác tống đạt, xác minh… một cách chuyên nghiệp, hành vi của TPL được thừa nhận bằng Nghị định, tiêu chuẩn thì được xác định bằng văn bản và được lựa chọn, bồi dưỡng, quản lý chặt. Đã là một đội ngũ chuyên nghiệp, bài bản phục vụ cho mình thì THA phải tin vào TPL. Hơn nữa, TPL còn làm giảm tải công việc cho cán bộ xã, phường. Do vậy, phải có nhận thức cho đúng”.

Còn câu chuyện giữa TPL và các cơ quan THADS chưa đến với nhau, Thứ trưởng yêu cầu các bên phải chân thành, không thể có chuyện tuyên truyền ngược về nhau; kế đó, mỗi chấp hành viên, TPL phải là những người làm công tác tuyên truyền cho hoạt động TPL. 

Phong Trần

Đọc thêm