Cùng ngày với vụ việc này, tại Quảng Ninh, một hội thảo về phòng, chống tham nhũng được tiến hành. Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì tham nhũng vẫn không hề giảm và diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thế là sau 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực với hai lần bổ sung sửa đổi nhưng thực sự phát huy tác dụng không nhiều trong cuộc sống. Tại cuộc hội thảo này, có nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp phòng và chống tham nhũng, có cả các giải pháp bất khả thi như đề xuất chỉ lưu hành tiền với mệnh giá 20.000 đồng để ngăn chặn hối lộ (!). Bất khả thi nhưng nói lên một thực tế là nạn tham nhũng đã hoành hành trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như thế nào.
Thái độ của người dân, doanh nghiệp tất nhiên là ghét cay, ghét đắng tham nhũng nhưng họ không còn cách ứng xử nào khác là chọn “sống chung với tham nhũng” vì thế mới có chuyện “chạy” đủ thứ rất phổ biến trong xã hội chúng ta. Một dẫn chứng điển hình là doanh nghiệp có thể bỏ ra 2 tỷ đồng để có một giấy phép còn hơn chạy lòng vòng xin đủ 50 chữ ký.
Một số ít ỏi chọn thái độ ứng xử tuyên chiến với tham nhũng thì chịu rất nhiều áp lực, thậm chí bất lực rồi bị trả đũa bằng nhiều cách khác nhau, từ đe dọa, ném chất bẩn vào nhà đến buộc thôi việc, thậm chí còn vướng vòng lao lý. Không những họ bị đẩy vào thế bó tay mà còn bị chặt tay như câu chuyện trên là một ví dụ. Với cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng thì cũng bó tay nốt trước tệ nạn này, dẫn chứng là sự bất lực qua phát biểu của một quan chức tại cơ quan này “chống lại có khi chúng tôi chết trước”.
Vậy nên, rất cần có một thái độ kiên quyết không khoan nhượng với tham nhũng từ những người lãnh đạo cao nhất và thể hiện bằng những việc làm cụ thể, kịp thời. Từ đó, nhân dân ủng hộ và họ từ bỏ tâm lý “sống chung với tham nhũng”, không sợ tham nhũng thì pháp luật chống tham nhũng mới thực sự đi vào đời sống.