Châu Âu chính thức áp dụng “chứng nhận kỹ thuật số COVID-19”

0:00 / 0:00
0:00
Kể từ ngày 1/7, các hành khách tại châu Âu sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận kỹ thuật số COVID châu Âu để đi qua biên giới các nước trong Liên minh mà không phải chịu sự ràng buộc của các biện pháp hạn chế.
Chứng nhận COVID-19 được áp dụng tại EU từ 1/7. Ảnh: EPA
Chứng nhận COVID-19 được áp dụng tại EU từ 1/7. Ảnh: EPA

Sau 1 tháng áp dụng thử nghiệm tại một số quốc gia Liên minh châu Âu, từ ngày 1/7, “Chứng nhận kỹ thuật số Covid châu Âu”, tên gọi chính thức của giấy thông hành COVID-19 sẽ bắt đầu được áp dụng và công nhận tại toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cùng một số nước đối tác khác tại châu Âu như Thụy Sỹ, Lichtenstein, Iceland và Na Uy.

Ngay từ tối 30/6, đã có 21 nước cùng kết nối vào một cổng điện tử quản lý hệ thống chung. 6 nước khác đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, riêng CH Ireland sẽ kết nối vào hệ thống muộn hơn do đang gặp vấn đề an ninh mạng.

Được coi là công cụ nhằm đơn giản hóa việc di chuyển cũng như thúc đẩy du lịch tại châu Âu trong dịp Hè, “chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 ” của châu Âu được lưu hành dưới hai phiên bản giấy và điện tử, trong đó có một mã QR nhằm thông tin và điều tra nhanh toàn bộ dữ liệu liên quan đến COVID-19 của người được cấp chứng nhận, bao gồm tình trạng bệnh, các xét nghiệm đã thực hiện cũng như việc đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa.

Những người đã có kháng thể, có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ hay tiêm đủ 2 mũi vaccine được coi là đủ điều kiện để tự do đi lại trong các nước châu Âu mà không phải chịu các ràng buộc về cách ly hay xét nghiệm tại điểm đến.

Tuy được coi là giải pháp tốt nhất nhằm cứu vãn ngành du lịch tại châu Âu nhưng việc đưa vào áp dụng giấy chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 từ ngày 1/7 cũng đang tạo ra rất nhiều tranh cãi.

Trong bức thư gửi đến các lãnh đạo châu Âu ngày 29/6, nhiều hãng hàng không châu Âu đã lên tiếng cảnh báo hệ thống chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 có thể sẽ tạo nên tình trạng hỗn loạn trong vận chuyển hành khách của ngành hàng không. Lý do được đưa ra là có quá nhiều quy định không rõ ràng trong việc áp dụng chứng nhận kỹ thuật số này, có thể dẫn đến việc rất nhiều quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau.

Ví dụ, chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 công nhận 4 loại vaccine đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu phê chuẩn là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson, nhưng đối với các loại vaccine khác đã được một số nước châu Âu sử dụng, như Sputnik V của Nga hay Sinopharm của Trung Quốc, Ủy ban châu Âu cho phép các nước được quyết định có chấp nhận hành khách đã tiêm các loại vaccine này hay không.

Ngoài ra, các nước EU cũng vẫn có thể đặt ra các quy định về cách ly với hành khách có chứng nhận kỹ thuật số COVID-19, tùy theo tình hình dịch bệnh. Hiện tại, Đức đang xếp Bồ Đào Nha vào danh sách hạn chế nên du khách từ Bồ Đào Nha dù có chứng nhận kỹ thuật số COVID vẫn sẽ phải cách ly khi đến Đức.

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất đối với châu Âu hiện nay là việc áp dụng chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 sẽ khiến việc kiểm soát biến thể virus Delta tại châu Âu phức tạp hơn, trong bối cảnh biến thể này đang lây lan rất mạnh tại các nước châu Âu như Đức, Bồ Đào Nha hay Pháp. Trước đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu – ECDC đã phát đi cảnh báo cho biết, với việc người dân châu Âu tự do đi lại trong dịp Hè, đến cuối tháng 8/2021, biến thể Delta sẽ chiếm 90% tổng số ca mắc COVID-19 tại châu Âu và có thể gây nên một làn sóng dịch mới.

Bất chấp điều đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen vẫn ca ngợi chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 là biểu tượng hồi sinh của châu Âu.

“Chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 đảm bảo được tinh thần của một châu Âu cởi mở, một châu Âu không biên giới cũng như một châu Âu đang mở lại một cách chậm rãi nhưng chắc chắn sau giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch. Chứng nhận này là biểu tượng của một châu Âu mở và số hóa. Chứng nhận này được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Nó sẽ giúp việc đi lại trong liên minh dễ dàng hơn và giúp người dân châu Âu tìm lại tự do mà họ vô cùng trân trọng”, bà Leyen nói.