Các nhân viên y tế tại Tây Ban Nha biểu tình trước cửa bệnh viện.
Ảnh: Reuters
|
Giới chức Tây Ban Nha cho biết đang tìm cách xác định bà Romero đã tiếp xúc với những người nào trước khi được đưa vào khu vực cách ly hôm 6/10. Cho đến ngày 7/10, có 52 người được đưa vào diện giám sát, trong đó chủ yếu là các nhân viên y tế tại nơi bà Romero làm việc. “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng bệnh không thể lây lan” – điều phối viên cơ quan cấp cứu của chính phủ Tây Ban Nha Fernando Simon nói.
Theo các bác sỹ tại Bệnh viện La Paz-Carlos III, chồng bà Romero cũng có nguy cơ cao đã nhiễm bệnh nên cũng đã được cách ly. Ngoài ra, một kỹ sư người Tây Ban Nha vừa từ Nigeria về nước cũng đang bị nghi nhiễm Ebola và đang được theo dõi. Hai trường hợp còn lại đã nhập viện là 2 đồng nghiệp của bà Romero, trong đó có 1 người bị tiêu chảy và 1 người bị sốt nhẹ.
Vụ việc cũng đã dấy lên các cuộc biểu tình của các nhân viên y tế bên ngoài bệnh viện La Paz, yêu cầu Bộ trưởng y tế Ana Mato từ chức. Theo Liên đoàn các nhân viên y tế Tây Ban Nha, các nhân viên y tế đã không được đào tạo 1 cách đầy đủ về dịch bệnh. “Chúng tôi không có cơ sở hạ tầng để đối phó với 1 loại virus như vậy” – bà Elena Moral, lãnh đạo Hiệp hội, nói.
Trước các diễn biến này, Tổ chức Y tế thế giới ngày 7/10 cảnh báo châu Âu chắc chắn sẽ có thêm những trường hợp khác nhiễm Ebola sau vụ việc của y tá Romero. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng ngày cảnh báo những thiệt hại về kinh tế do Ebola gây ra có thể vượt ra khỏi phạm vi khu vực Tây Phi và trở thành một vấn đề mang tính chất toàn cầu.
Mỹ tăng cường giám sát hành khách
Trong một diễn biến khác có liên quan, các quan chức y tế Mỹ ngày 7/10 cho biết trong vài ngày tới, họ sẽ công bố các quy trình kiểm soát chặt chẽ đối với hành khách nước ngoài nhằm ngăn chặn khả năng virus Ebola lây lan trên đất Mỹ.
Theo Tiến sĩ Thomas Frieden – người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) - việc kiểm tra sẽ được tăng cường cả khi hành khách rời Tây Phi lẫn khi đến Mỹ. Lực lượng tuần duyên Mỹ cũng thông báo sẽ thắt chặt kiểm tra các cá nhân đến Mỹ bằng đường biển từ các nước đang có dịch Ebola
Trước đó, giới chức nước này thông báo ông Thomas Eric Duncan – người đầu tiên được chẩn đoán đã mắc Ebola trên đất Mỹ - đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở bằng máy và chạy thận để duy trì sức khỏe. Bệnh nhân cũng đã được cho sử dụng thuốc thử nghiệm brincidofovir để điều trị. 1 bệnh viện tại Nebraska cũng đang sử dụng loại thuốc này để điều trị cho nhà báo Ashoka Mukpo của đài NBC sau khi ông này được đưa từ Liberia về Mỹ hôm đầu tuần sau khi nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các cơ quan y tế của bang Texas cũng đang theo dõi 10 người đã tiếp xúc gần với ông Duncan và 38 người khác nhưng cho đến nay chưa phát hiện người nào có dấu hiệu bệnh.