Sau vụ cháu bé tử vong, phải nói là văn bản chỉ đạo “như mưa”, từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND TP Hà Nội cho đến cấp cơ sở. Biết bao sơ hở, thiếu sót và sự “bất lực vô dụng” của “hệ thống quản lý” phơi bày ra đấy.
Để “bảo vệ” một cháu bé, ngoài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang có, “hệ thống” các cơ quan có trách nhiệm đối với trẻ em Việt Nam có đến 20 cơ quan, từ Quốc hội đến chính quyền, đoàn thể. Nói đến “quản lý” môi trường giáo dục (MTGD) có hệ thống thanh tra chuyên ngành từ Bộ đến Sở và quận, huyện; nói về Y tế học đường có Thanh tra Y tế từ Bộ trở xuống; về lao động có Thanh tra Lao động, về vận tải có Thanh tra GTVT... Có nghĩa là, rất nhiều cơ quan có trách nhiệm phải “nhòm” tới. Thế nhưng, qua vụ việc đau lòng ở Trường Getaway (Hà Nội) mới thấy, gần như các cơ quan có trách nhiệm không ai “ngó ngàng” gì?
Đáng tiếc, trong cuộc sống hiện nay, vô vàn lĩnh vực luôn “mất bò mới lo làm chuồng”, “nước đến chân mới nhảy”. Điều này không hề “võ đoán”.
Chợt nhớ câu chuyện năm 2016, khi một cháu bé không may bị chết do xe thô sơ chở tôn cứa cổ, Ủy ban ATGTQG “ngay lập tức” có văn bản đề nghị Hà Nội “Sớm làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tai nạn”, không quên “nhắc nhở”: “Cần triển khai nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe môtô ba bánh...”.
Xã hội Việt Nam luôn “giật mình” để rồi chứng kiến “mưa văn bản”: “rà soát, kiểm tra, tăng cường, siết chặt…”.
Thường ngày không ai làm, nếu làm chắc đã không có chuyện “bất ngờ”, không có chuyện “con voi” luôn chui qua lỗ kim. Và vì thế, chẳng ai để ý rằng: kỷ cương đất nước đang bị phá hoại từ những hành vi vô cảm như thế!