'Chạy đua thời gian' khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng tại Thừa Thiên Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các điểm sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn 2 ngày nay tại Thừa Thiên Huế đã và đang được các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục.
Một điểm sạt lở tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một điểm sạt lở tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông tin từ Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Khu Quản lý đường bộ II), chiều tối 15/11, tại Km 32+100 QL 49 đoạn qua xã Bình Thành, thị xã Hương Trà xảy ra sạt lở ta luy dương làm khối lượng lớn đất, đá tràn ra đường gây ách tắc giao thông. Lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông phía hai đầu điểm sạt lở, sau đó huy động nhân lực tiến hành khắc phục, dọn dẹp đất đá để thông tuyến qua khu vực này lúc 3h hôm nay, 16/11.

Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Km 395 qua địa phận xã Hương Nguyên, huyện A Lưới cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc phương tiện giao thông. Lực lượng chức năng đã phối hợp đặt cảnh báo, liên hệ Công an huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cảnh báo phía Quảng Nam.

Sạt lở do mưa lũ gây ra.

Sạt lở do mưa lũ gây ra.

Các đơn vị, chính quyền địa phương đã huy động nhân công kết hợp với phương tiện cơ giới tập trung dọn dẹp, khắc phục đất đá tràn lấp mặt đường, khơi thông dòng chảy, tiến hành thông xe trong thời gian nhanh nhất.

Cũng trong sáng ngày 16/11, công tác khắc phục, xử lý môi trường sau lũ cũng đã được các lực lượng triển khai. Kiểm tra công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường tại chợ Đông Ba và khu vực dân cư tại đường Trần Hưng Đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình lưu ý về một số dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ lụt.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, trước diễn biến của mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai ứng phó. Chỉ đạo ngành y tế rà soát, đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất cho công tác tiêu độc, khử khuẩn tại các chợ dân sinh, các khu vực dân cư bị ngập lụt. Ngành giáo dục và đào tạo cần rà soát, thống kê các điểm trường ở các vùng thấp trũng học sinh chưa thể đến trường, có kế hoạch, kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng điểm trường.

Các lực lượng tích cực khắc phục hậu quả sau lũ

Các lực lượng tích cực khắc phục hậu quả sau lũ

Ông Nguyễn Thanh Bình cũng yêu cầu các ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân qua các kênh thông tin khác nhau, để người dân nắm bắt thông tin, chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh làm 1 người chết, 1 người mất tích do lật ghe tại TP Huế; sạt lở đất đá vùi lấp làm 2 người bị thương tại thị xã Hương Trà. Khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã ở TP Huế bị ngập.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán 3.968 hộ dân (10.283 khẩu) ở vùng xung yếu, thấp trũng thuộc các địa bàn huyện, thị xã Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Nam Đông đến nơi an toàn. Toàn tỉnh có 17.453 nhà bị ngập từ 0,3 đến 1,2m.

Hiện công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ đang được chính quyền các địa phương tập trung triển khai.

Đọc thêm