Qua những chuyến đi cơ sở, bà Nguyễn Thị Thu Vân nhận thấy người dân Sóc Trăng - quê hương thứ hai theo cách nói của bà, nhất là bà con người dân tộc Khmer - vẫn còn thiếu thốn nhiều về vật chất, đặc biệt là vốn kiến thức pháp luật. Trăn trở trên đặt ra cho bà bài toán khó cần đi tìm lời giải làm thế nào để bà con tận các xóm ấp, phum, sóc được trang bị kiến thức pháp luật cơ bản nhất.
Đó cũng là lý do thôi thúc bà chỉ đạo xây dựng đề tài “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng: Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2005 - 2010”; đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng, rồi đề án thành lập chi nhánh trợ giúp pháp lý liên huyện...
Không dừng lại ở đó, mới đây bà vừa thực hiện xong đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh sóc trăng giai đoạn 2015-2020” mà bà ấp ủ bấy lâu.
Trăn trở cùng bà con phum, sóc
Sóc Trăng là một trong nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 28,9% dân số của tỉnh), điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao trình độ học vấn, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân. Bà Vân cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách đặc thù đầu tư, hỗ trợ, giúp bà con người dân tộc Khmer phát triển trên nhiều lĩnh vực, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo đời sống vật chất và tinh thần.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế, nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ làm công tác này chưa cao; các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được đổi mới, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với điều kiện sống của bà con người dân tộc. Từ thực tế trên, bà Vân cho rằng việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer là rất cần thiết.
Bà Vân trải lòng: “Trước đây, do không am hiểu pháp luật nên trong đời sống của bà con người dân tộc thường xảy ra những vi phạm pháp luật. Từ những mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt đôi khi dẫn đến các tranh chấp dân sự, thậm chí gây nên những vụ án hình sự nghiêm trọng.
Bản thân người làm tham mưu quản lý nhà nước đối với công tác tư pháp địa phương mình phải xem công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đặc biệt quan trọng, vì nó tác động trực tiếp đến từng người dân và cả các quan hệ xã hội. Điều quan trọng là mình phải nghĩ ra cách tốt nhất để người dân dễ dàng tiếp cận với pháp luật.
Muốn vậy, phải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức thích hợp như: kiện toàn Hội đồng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các cấp; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc Khmer trở thành những hạt nhân, tấm gương sáng trong cộng đồng về nhận thức và thực hiện pháp luật; xây dựng tài liệu tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Việt - Khmer; mở thêm nhiều tủ sách pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý kết hợp với việc cấp phát tài liệu pháp luật miễn phí cho người dân ở các điểm chùa Khmer trên địa bàn…”.
Từ sáng kiến của mình, bà đặt ra mục tiêu trên 70% bà con dân tộc Khmer trong tỉnh sẽ được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các trình tự, thủ tục về thực hiện các quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân trong chấp hành pháp luật, thực hiện chính sách dân tộc…
Đặc biệt, “một khi người dân nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành đúng pháp luật, khi ấy người dân hoàn toàn có khả năng tự tổ chức và giải quyết tốt các mâu thuẫn, vướng mắc trong đời sống hàng ngày, góp phần giữ gìn sự bình yên cho xóm làng, phum, sóc”, bà Vân cho biết thêm.
Theo một số trụ trì chùa Khmer tại Sóc Trăng, đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” mà bà Vân thực hiện không chỉ góp phần “giải khát” về mặt pháp lý cho bà con dân tộc Khmer mà còn là minh chứng cho tính đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc hiện nay.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng |
Sinh ra ở Hậu Giang, 22 tuổi cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Vân tốt nghiệp ngành Văn, được nhận vào làm tại Sở Tư pháp Hậu Giang phụ trách mảng tổng hợp báo cáo. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự đam mê nghề nghiệp, không nề hà việc khó nên “mỗi khi được lãnh đạo giao việc, mình mừng lắm”, bà Vân san sẻ. Cũng chính vì thế mà Vân luôn được lãnh đạo tin tưởng khi giao việc, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao trình độ đại học luật.
Năm 1992, dù sống ở Cần Thơ và đã lập gia đình nhưng bà vẫn hăm hở tình nguyện xin về tỉnh mới chia tách Sóc Trăng để thử sức trẻ và tiếp tục cống hiến trong ngành Tư pháp. Sống cảnh xa nhà, điều kiện sống, đi lại gặp nhiều khó khăn nên lúc đầu một số đồng nghiệp của bà xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc, còn bà vẫn quyết tâm bám trụ với nghề nơi đất khách.
Thời gian đầu bà đảm nhiệm công việc của một công chứng viên, nhưng khổ nỗi cả Phòng Công chứng Nhà nước số 1 Sóc Trăng khi ấy chỉ có vỏn vẹn hai công chứng viên nên dù mới sinh con đầu lòng được một tháng, bà đã phải nhờ người trông con rồi quay lại với công việc. Không những vậy, bà còn tranh thủ các ngày nghỉ cuối tuần đi cơ sở xác minh các hợp đồng, giao dịch của công dân, do “ngày thường mình phải dành cho công việc”.
Gắn bó lâu năm trong ngành, trải qua nhiều vị trí làm việc, bà Vân luôn đặt cho mình phương châm làm việc là luôn sẵn sàng nhận việc khi được phân công, không ngại khó, không ngại khổ, luôn phấn đấu hoàn thành công việc được giao sớm hơn quy định, xem việc lãnh đạo phân công là niềm vinh dự, đồng thời lấy sự hài lòng của người dân, của tổ chức làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong vai trò là thủ trưởng đơn vị, bà Vân luôn giữ vai trò là trung tâm đoàn kết, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp trong công việc, giúp đưa bộ máy tư pháp địa phương hoạt động hiệu quả; biết quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp nhân sự một cách hợp lý, tổ chức xây dựng tốt các kế hoạch, chương trình triển khai công việc một cách hài hòa, khoa học, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí cho đơn vị”.
Còn ông Nguyễn Viết Bình, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang và là thủ trưởng trước đây của bà đánh giá bà Vân là người phụ nữ có năng lực, có tâm huyết với nghề, rất xông xáo trong các hoạt động và quan hệ tốt với quần chúng nhân dân.
Không ít người cho rằng bà là người phụ nữ đầy cá tính, bà bảo điều đó không sai, bởi bản thân bà nhận mình là người thẳng thắn, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám bàu trách nhiệm, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn để giải quyết công việc hợp lý. Tuy nhiên, khi trở về với gia đình, trong vai trò người vợ, người mẹ, bà thu vén tươm tất công việc gia đình, quan tâm nuôi dạy con cái chu toàn. Nhiều năm liền bà đạt danh hiệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà.
“Cháy” hết mình với nghề gần 30 năm, bà bảo điều tâm đắc nhất của bà là góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống, tham gia tư vấn pháp luật cho các sở, ngành và Hội đồng giải quyết khiếu nại của tỉnh, tìm hướng giải quyết những vụ việc khiếu nại kéo dài, phức tạp. Dù đây không phải là nhiệm vụ chính nhưng cũng góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, làm cho người dân tin tưởng vào pháp luật, chấp hành tốt pháp luật.
Với những nỗ lực của bản thân, suốt 10 năm liền (2005-2014) bà Nguyễn Thị Thu Vân đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều năm được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Năm 2010 bà vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và năm 2013 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ngoài thành tích đạt được của bản thân, bà còn góp phần cùng tập thể Sở Tư pháp tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong 2 năm 2011-2012, Sở Tư pháp Sóc Trăng được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua xuất sắc, riêng năm 2011 đơn vị của bà được nhận Cờ thi đua của Chính phủ và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bà phấn khởi cho biết đó là niềm vinh dự, tiếp thêm sức mạnh thôi thúc bà ngày càng nỗ lực, “cháy” hơn nữa trong công việc.