"Chảy máu" nguyên liệu, doanh nghiệp kêu cứu(!)

Thực trạng khai thác bừa bãi nứa lùng trên địa bàn cần sớm được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý, tránh tình trạng khai thác ồ ạt, không theo phương án làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến việc tái sinh rừng.

Văn phòng Bắc Trung bộ Báo PLVN nhận được phản ánh của Cty TNHH Hoàng Gia Bảo có địa chỉ tại bản Tục, xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An) về việc bị một số đối tượng tranh giành vùng nguyên liệu mà công ty được UBND tỉnh cho phép khai thác, sử dụng và bảo vệ.

Hàng chục công nhân dân TĐC được tạo công ăn việc làm
Hàng chục công nhân dân TĐC được tạo công ăn việc làm

Hàng chục công nhân có việc làm ổn định

Cơ sở sản xuất tăm hương của Cty TNHH Hoàng Gia Bảo (Cty Gia Bảo) được UBND tỉnh Nghệ An cho phép xây dựng tại xã Đồng Văn, Quế Phong tại Công văn số 8916/UBND – ĐT ngày 13/12/2012: “Đồng ý cho phép Cty TNHH Hoàng Gia Bảo (có địa chỉ Bản Lốc, Thông Thụ, Quế Phong) chủ trì phối hợp với BQL rừng phòng hộ huyện Quế Phong và UBND huyện Quế Phong lập phương án quản lý khai thác, tiêu thụ nguyên liệu (lùng, nứa) tại địa bàn các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong của huyện Quế Phong để phục vụ lâu dài cho Cơ sở sản xuất tăm hương tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong của công ty…”

Sau khi có quyết định, Cty đã xây dựng cơ sở sản xuất tăm hương tại bản Tục, xã Đồng Văn, đồng thời thu mua nguyên liệu của người dân trong vùng để sản xuất. Cty cũng tạo điều kiện cho những hộ dân tái định cư (TĐC) trong khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na có công ăn việc làm từ việc thu mua nguyên liệu, nhận một số người làm công nhân. Dân bản TĐC và con em của những gia đình khiếm thị, khuyết tật có công ăn việc làm ổn định.

“Gia đình đã thế chấp toàn bộ tài sản để vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất như trạm điện, máy móc, lò sấy…  Đến cuối tháng 8/2013 thì cơ sở đã đi vào sản xuất ổn định được thời gian hơn 7 tháng. Tạo công ăn việc làm cho 60 lao động với thu nhập ổn định từ 2.700.000 – 3.000.000 đồng/tháng”, anh Hoàng Đình Sơn – Giám đốc Cty cho biết.

Ngày 8/3/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 776/QD-UBND.CN cho phép cty phối hợp bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và khai thác 34 tiểu khu trên địa bàn 3 xã nói trên, theo tính chất bền vững lâu dài.

Hai chiếc xe bị tạm giữ vì thu mua lùng trên địa bàn
Hai chiếc xe bị tạm giữ vì thu mua lùng trên địa bàn

Vậy nhưng, gần đây phía cty gặp khó khăn về nguyên liệu do có một số đối tượng buôn bán ngoài địa phương vào khai thác lùng, nứa thu mua, gom hàng và vận chuyển ra ngoài địa phương. Mặc dù đã có nhiều công văn chỉ đạo như văn bản 2350/NN-LN ngày 12/11/2012 và công văn số 401/NN-LN ngày  6/3/2013 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An về việc đình chỉ khai thác; công văn 15/UBND –NN ngày 7/1/2013 và công văn 42/UBND – NN ngày 15/1/2013 của UBND huyện Quế Phong về việc kiểm tra các phương tiện vận chuyển lâm sản (lùng, nứa) trái phép, không có giấy tờ kèm theo, tịch thu và tạm giữ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, bán lại cho các đầu nậu và vận chuyển nguyên liệu ra khỏi địa bàn vẫn không được các cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Một chiếc xe khác đang tiến hành thu mua lùng
Một chiếc xe khác đang tiến hành thu mua lùng

Cần truy quét, đẩy đuổi triệt để trả sự bình yên cho bản làng

Gần đây nhất, ngày 23/8/2013, hai chiếc xe ô tô BKS 37C-03817 và xe 37C – 07271 vận chuyển lùng ra khỏi địa phương, theo các lái xe thì số lượng lùng trên hai xe khoảng gần 80 tấn. Nhận được tin báo, công an xã yêu cầu kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về việc thu mua và vận chuyển lùng, nứa ra khỏi địa phương thì các lái xe và chủ hàng không xuất trình được và bỏ đi. Sau đó, UBND xã Đồng Văn đã lập biên bản và tạm giữ phương tiện và toàn bộ số lùng trên.

Tại thông báo số 09/TB-UBND của UBND xã Đồng Văn ngày 21/8/2013 đã thành lập ban truy quét do Phó chủ tịch xã làm trưởng ban phối hợp với công ty tiến hành tịch thu các dụng cụ của các đối tượng ngoài vào khai thác nứa lùng trong khu vực. Trao đổi qua điện thoại, ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: “Tình trạng lộn xộn về khai thác nguyên liệu nứa, lùng trên địa bàn xã đã có từ trước, đã nhiều lần chỉ đạo đẩy, đuổi các đối tượng khai thác trái phép ra khỏi địa bàn. Cũng được biết một số đối tượng vào địa bàn có mang theo hung khí, nhưng vẫn chưa xảy ẩu đả…”.

Tuy nhiên, sáng 24/8, theo qua sát của PLVN tại địa phương thì ngoài hai chiếc xe bị tạm giữ trên thì ngoài ra còn có xe khác BKS 37C-05878; 37S 7009; 37N 1699; 37N 5890… đang bốc xếp lùng, nứa. Cũng trong sáng 24/8, có đến hàng chục xe máy của các đối tượng ngoài vùng đến khai thác nứa, lùng gửi tại nhà của một hộ dân trên địa bàn bản Piềng Văn, xã Đồng Văn.

Hàng chục chiếc xe máy của các đối tượng ngoài vùng đến khai thác lùng, nứa trên địa bàn xã Đồng Văn
Hàng chục chiếc xe máy của các đối tượng ngoài vùng đến khai thác lùng, nứa trên địa bàn xã Đồng Văn

Theo ông Lô Đình Thi – Trưởng bản TĐC Piềng Văn: “Bản là những hộ dân sống trong lòng hồ thủy điện mới được đưa ra TĐC, rừng chưa được bàn giao cụ thể cho từng hộ để quản lý, khai thác. Những người ngoài địa phương đến khai thác nứa lùng trong rừng nhưng không biết là rừng của ai mà bảo vệ. Mong muốn được Nhà nước sớm giao đất rừng cho người dân để quản lý, bảo vệ và khai thác, chứ người dân cũng chưa có đất để sản xuất ngồi chơi là chính thôi. Với cam kết của công ty Hoàng Gia Bảo thu mua nguyên liệu nứa lùng với giá ổn định 13.000/kg  lùng thì người dân trong bản cũng muốn được giao rừng và bán lại cho công ty. Tình hình các đối tượng ngoài địa bàn vào khai thác thì bà con cũng muốn  sớm ngăn chặn triệt để, trả lại sự bình yên cho bản làng…”.

Ngoài ra, việc kiểm soát nhân hộ khẩu tạm trú tạm vắng trên địa bàn cũng chưa được chú trọng, điều này rất quan trọng đối với địa bàn xã giáp biên giới như Đồng Văn. Trước đó, ngày 28/3/2013, trên khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na cũng đã xảy ra một vụ đắm thuyền do hai người dân đi khai thác lùng, nứa, khiến hai người này tử vong (hai nạn nhân được xác định là công dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An).

Ông Nguyễn Danh Hùng – Quyền Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (được thành lập tháng 6/2013) cho biết, “Đơn vị chúng tôi  mới được thành lập, khi tiếp quản địa bàn cũng có được nghe về vụ việc tranh chấp thu mua lùng nứa trên địa bàn xã các xã trên. Theo quyết định của UBND tỉnh thì cũng chỉ mới có riêng Cty Hoàng Gia Bảo có đủ tư cách pháp nhân được UBND tỉnh cho phép khai thác và tiêu thụ lùng nứa…”.

Thực trạng khai thác bừa bãi nứa lùng trên địa bàn cần sớm được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý, tránh tình trạng khai thác ồ ạt, không theo phương án làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến việc tái sinh rừng.

Ngoài ra, cũng tránh những hậu quả đáng tiếc như trước đây, cũng như hậu quả của việc tranh chấp nguyên liệu. Những đối tượng thu gom nguyên liệu không hề có giấy phép hợp lệ, không nạp thuế cho địa phương, không tạo được công ăn việc làm cho những hộ TĐC… cần sớm được đẩy đuổi ra khỏi địa bàn, tránh tình trạng mất an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Cùng với đó, địa phương cần tiến hành giao đất rừng cụ thể cho những hộ dân TĐC để người dân có đất sản xuất cũng như gắn trách nhiện khoanh nuôi, khai thác và bảo vệ rừng đối với từng hộ dân.

Ngô Toàn

Đọc thêm