Chế tài đối với hành vi vi phạm bí mật đời tư của cá nhân

(PLVN) - Bạn Trần Huỳnh A (Hải Phòng) hỏi: Anh A vào facebook của anh B đọc trộm tin nhắn, sau đó đăng tin nhắn cá nhân của anh B lên mạng xã hội. Xin hỏi, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm trong trường hợp nêu trên?
Luật sư Đoàn Trung Hiếu.

Luật sư Đoàn Trung Hiếu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Đối với anh A, hành vi đọc trộm tin nhắn và đăng tin nhắn của anh B lên mạng xã hội là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư, vi phạm pháp luật. Bí mật đời tư là quyền đã được Hiến pháp ghi nhận, trong đó có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín.

Căn cứ Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Đồng thời, khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng khẳng định, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Như vậy, theo quy định trên thì hành vi của anh A đã thực hiện là có dấu hiệu trái pháp luật vì đã xâm phạm vào quyền bí mật thư tín, điện thoại được pháp luật bảo vệ.

Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, theo quy định trên anh A sẽ có thể phải chịu trách nhiệm về vật chất được quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 đó là các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, hay các thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài bồi thường về vật chất, anh A có thể phải bồi thường về tinh thần cho anh B được xác định do thỏa thuận của hai bên hoặc không thỏa thuận được thì người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, tại điểm e, điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi, thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài ra, nếu người vi phạm đã bị phạt vi phạm hành chính trước đó mà còn vi phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015.

Đọc thêm