Chém chết người vì... không mua được bao thuốc lá

(PLO) - Mới đây, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Vũ Xuân Chiến (24 tuổi, trú tại xã Ia Bă, huyện Ia Grai), Lê Đăng Thành (23 tuổi, trú tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Hội đồng xét xử tuyên phạt Chiến 19 năm tù, Thành 15 năm tù với  tội danh“Giết người”. Người chết, kẻ vào tù, chỉ vì không mua được bao thuốc lá.
Các bị cáo tại phiên toà

Mua thuốc lúc nửa đêm

Theo bản án của TAND tỉnh Gia Lai: Khoảng 23h ngày 27/11/2017, Chiến điều khiển xe mô tô đi từ nhà đến quán bán tạp hoá nhà ông Vui ở cùng thôn để hỏi mua thuốc lá. Khi đến nơi, thấy trong nhà ông Vui điện vẫn sáng, cổng chính đóng nhưng không khoá nên Chiến gọi cửa để mua thuốc lá nhưng ông Vui từ chối bán với lý do trời tối và quán đã đóng cửa. 

Lúc này, Chiến kéo cổng đi vào trong sân thì thấy ông Vui và anh Đồng Thanh Quang (39 tuổi, con trai ông Vui, nạn nhân của vụ án) đi ra. Anh Quang nói “Bố tao đã từ chối đóng cửa rồi sao mày lại tự động vào nhà tao”. Chiến đáp lại “Điện đang sáng sao lại không bán hàng”. Anh Quang trả lời: “Nhà đang phơi cà phê nên để điện, về đi để tao ngủ, đóng cổng trả tao để tao ngủ”. 

Chiến thấy vậy hậm hực đi ra và đóng mạnh cổng lại. Bức xúc, anh Quang cầm cục gạch ném Chiến nhưng không trúng. Thấy vậy, Chiến quay lại nói: “ông Quang cẩn thận với tui đấy”, nói xong Chiến lên xe bỏ đi. Do bực tức trên đường đi, Chiến điện thoại cho Lê Đăng Thành để mượn dao. Lúc này Thành đang ngủ ở nhà cùng với anh trai và một số người bạn. 

Nghe Chiến kể, Thành bảo Chiến chạy lại nhà nói chuyện. Đến nơi Chiến gọi Thành ra ngoài sân và kể đầu đuôi câu chuyện cho Thành nghe. Chiến cũng cho biết muốn mượn dao để lên chém cha con ông Vui. Nghe vậy, Thành nói Chiến cho đi cùng. Nói xong Chiến điều khiển xe mô tô tới điểm hẹn, còn Thành cùng với 2 người bạn lên xe đến chỗ Chiến. 

Đến nơi, Thành đưa cho Chiến 1 con dao rựa dài 91,5 cm rồi cùng Chiến chạy đến nhà ông Vui. Chiến và Thành cầm dao đến cổng chính nhà ông Vui la lớn, thách thức đánh nhau với cha con ông Vui. Còn hai người bạn của Chiến và Thành thì đứng ở bên ngoài chờ. 

Thấy anh Quang cầm 1 khúc gỗ dài 1,5m đi theo cổng phụ ra ngoài đường, Chiến cầm dao đến chặn đường anh Quang. Khi hai người “chạm trán”, anh Quang cầm gậy đánh Chiến nhưng không trúng. Ngược lại, Chiến cầm dao rựa bằng hai tay chém liên tiếp 4 đến 5 nhát, theo chiều từ trên xuống dưới thì trúng vào đầu, vai và tay anh Quang. 

Sau đó Chiến cùng những người bạn lên xe bỏ chạy. Khi chạy lên tới thành phố Pleiku, Chiến điện thoại cho người bạn khác đến cầm dao cất đi rồi cùng với người bạn đi ăn khuya tại chợ đêm. Sau đó, nhóm bạn này mua đồ đến 1 nhà nghỉ trên địa bàn nhậu.

Trong lúc nhậu, Chiến có kể cho bạn nghe về chuyện mới đánh nhau. Còn đối với Lê Đăng Thành, sau khi lên xe bỏ đi Thành đã vất con dao ở một vườn cà phê rồi điện thoại cho người bạn đi cùng lúc nãy chở về nhà ngủ. 

Về phía anh Quang, sau khi bị Chiến chém trọng thương, anh Quang được gia đình đưa về Trung tâm y tế huyện Ia Grai cấp cứu nhưng đã qua đời ngay sau đó. Đến khoảng 14 giờ 30 phút ngày 28/11/2017, Vũ Xuân Chiến bị bắt. Sau đó Lê Đăng Thành cùng những người bạn cũng bị công an bắt giữ. 

Qua khám nghiệm tử thi, trung tâm pháp y tỉnh Gia Lai kết luận nguyên nhân chết đối với bị cáo Đồng Thanh Quang là do: Vỡ sọ, đa thương do vật sắc bén.

Nước mắt người ở lại

Trong phiên toà xét xử vụ án, sau khi nghe toà tuyên án chúng tôi thấy nước mắt lăn dài trên má những người thân nạn nhân. Nhiều người không cầm được nước mắt khi chứng kiến những vành khăn trắng trên đầu ba đứa trẻ, con của bị hại. Ba đứa con của nạn nhân, đứa lớn nhất mới học lớp 5, đứa nhỏ nhất mới được 3 tuổi. 

Có lẽ trong 3 đứa trẻ ấy chỉ có đứa con lớn mới cảm nhận được phần nào nỗi đau mất cha còn hai đứa nhỏ mặc dù đeo khăn tang nhưng trong giờ giải lao vẫn chạy nhảy, nô đùa trong sân của phiên toà. Có lẽ những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất cha, mà ngược lại chúng đang vui mừng vì chắc lâu lắm mới được mẹ đưa ra phố. 

Đại diện cho gia đình nạn nhân, chị Hoàng Thị Hợi (SN 1983) nói với HĐXX: Gia đình chị vốn là một gia đình thuần nông. Hai vợ chồng đều vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ học hết cấp 2 nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Lớn lên, lấy chồng sinh con đẻ cái.

Thu nhập chính của gia đình đều trông đợi vào anh Quang, trụ cột trong gia đình. Bây giờ, anh Quang mất đi, bản thân chị chưa biết sẽ phải nuôi dạy những đứa trẻ ra sao. Sau này, khi chúng lớn lên ai sẽ là người bảo ban cho chúng. Rồi bây giờ, mỗi lần chúng ốm đau, thân phụ nữ một mình làm sao có thể chu toàn cho ba đứa trẻ?

Ở hàng ghế bên cạnh, những gương mặt của những người thân của Chiến, của Thành cũng khắc khổ không kém. Những khuôn mặt của nắng của gió, của nương của rẫy vốn đã xạm đen lại càng tím tái hơn khi nghe HĐXX tuyên án. 

Mẹ của Chiến cho biết: “Tôi đẻ con ra nhưng chưa bao giờ dạy nó đánh nhau. Thế nhưng giờ “con dại thì cái mang”, khi thấy con mình phạm tội tôi cũng chạy vạy khắp nơi để gửi cho gia đình nạn nhân được 30 triệu lo hậu sự cho Quang.

Tôi biết, số tiền đó với gia đình tôi là số tiền lớn nhưng nó cũng chưa thấm tháp gì so với nỗi đau mất con của gia đình ông Vui. Tôi không có mong muốn gì hơn gia đình ông Vui tha thứ cho hành vi của con tôi, tôi cũng mong muốn HĐXX cho con tôi con đường để cháu nhanh chóng được trở về với cuộc sống gia đình, có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Trong phiên toà hôm đó, ngoài hai bị can là Chiến và Thành còn có thêm một số đồng phạm. Nhiều người cho rằng, những bị can trong vụ án này đều là những người có “giang hồ có số má”. Lê Đăng Thành trước đó từng thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật vào năm 2015, sau đó Toà án nhân dân thành phố Pleiku từng tuyên phạt 06 tháng tù treo, thời gian thử thách là 12 tháng. Hay đối với bị cáo Lê Đăng Thắng  (SN 1991), người đi cùng với Chiến và Thành đến nhà phạm nhân cũng nổi tiếng với nhiều lần “ra tù vào tội”. Còn Thắng từng phạm tội nhiều lần như tội Hiếp dâm, “tàng trữ sử dụng trái phép chất độc”, “trộm cắp tài sản” và ngày 26/01/2017 mới chấp hành xong án phạt về địa phương. “Thanh xuân” của đối tượng này đa số là những tháng ngày “ăn cơm tù, mặc áo số”.

Vụ án đã khép lại, người chết để lại cha già mẹ héo, vợ con bơ vơ. Kẻ vào tù để trả giá cho tội ác mà bản thân gây ra. Thế nhưng, đằng sau phiên toà là nước mắt của những người ở lại. Nhiều người không khỏi tiếc nuối. Giá như, trong cuộc sống mỗi người biết nhịn nhau một chút thì đã không có thảm cảnh của ngày hôm nay./.

Đọc thêm