Chết oan vì... tiếng còi xe

(PLO) -Giờ đây, nỗi ám ảnh với nhiều người dân khi ra đường là những tiếng còi xe ôtô, xe máy vang lên đinh tai nhức óc được nhấn vô tội vạ. Đã có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra từ những tiếng còi xe kinh hoàng này.
Chết oan vì... tiếng còi xe
Mỗi khi bóp, đảm bảo...giật mình!
Phố Huế (Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc dành cho những kẻ đi xe thích “chơi nổi” bằng… còi. Thôi thì đủ loại kiểu dáng, âm thanh, giá cả các loại còi. Kẻ ít tiền thì sắm cho mình chiếc còi Trung Quốc, khá hơn thì còi Nhật, Đài Loan, người sẵn tiền thì xài hàng Đức. Giá cả cũng theo đó mà khác biệt, từ vài trăm lên đến vài triệu. 
Khách chơi tha hồ chọn lựa, kẻ thích lắp còi ưu tiên kiểu cứu hỏa hay cấp cứu hay còi ủ, còi hơi đều được đáp ứng cả.  Khá nhiều người “dị biệt” giờ lại thích lắp còi theo kiểu mô phỏng tiếng hú, tiếng chó sủa hay mèo kêu…. Những loại còi kỳ quái này đang bán rất chạy.
Khách hàng đến tìm mua còi chủ yếu là giới trẻ. Còi càng “độc” thì càng hút khách. Gần đây, trên thị trường còn xuất hiện một loại còi mới giá lên tới gần nửa triệu đồng. “Mỗi khi bóp còi, đảm bảo người phía trước sẽ giật mình, bóp phanh nhường đường ngay lập tức cho mình vượt. Bởi tiếng còi nghe y hệt  tiếng rít phanh ô tô, rất rợn tai”- chủ một quán còi phía sâu trong khu vực “chợ trời” ở phố Huế quảng cáo về loại còi mới nhập. 
Xe tải hạng nặng thường lắp những chiếc còi hơi màu đỏ có hình dáng như một chiếc kèn mà mỗi lần bấm, âm thanh chói tai vang ra xa cả cây số. Nhiều xe còn lắp ba, bốn chiếc còi như vậy để âm thanh “thêm phần hoành tráng”, như lời Thanh - một lái xe tải đường dài phóng viên tình cờ quen ở quán nước ngồi đợi lắp còi.
Tình trạng nhức nhối vì “ô nhiễm tiếng ồn” trên không dừng lại ở hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông mà còn là “thủ phạm” gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất thương tâm. Khoảng 15h ngày 24/11, tại quốc lộ (QT) 51, đoạn ngay ngã tư Vũng Tàu phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, chị P.T.T (44 tuổi, trú xã An Hòa, TP.Biên Hòa) chạy xe máy từ QL51 rẽ sang QL1A, bị giật mình bởi tiếng còi rất to của xe ben phía sau khiến chị bị ngã ra đường. Ngay lập tức, chị bị T chiếc xe ben phía sau lao tới cán qua khiến chị tử vong tại chỗ. 
Một vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ tiếng còi xe (ảnh minh hoạ từ Internet)
Một vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ tiếng còi xe (ảnh minh hoạ từ Internet) 
Đầu tháng 8/2014, trên đường đưa con đi học mầm non, chị B.T.T ở Cao Bằng khi đang đi song song với một chiếc xe tải, ngang qua ngã tư thì chiếc xe tải bất ngờ bấm còi hơi khá to. Chính vì giật mình bởi tiếng còi khiến chị giật mình, tay lái loạng choạng, ngã xuống đường. Cô con gái 2 tuổi của chị ngồi phía sau bị bánh sau của xe tải cán qua nửa người.
Hẳn nhiều người cũng chưa quên hình ảnh đau xót, cảm động rơi nước mắt trong ngày đoàn tụ của cha con anh Nam trong vụ tai nạn làm chết thai phụ, văng con ra ngoài trong những ngày qua. Do vợ trở dạ sinh, anh Nam vội vàng chở vợ đến Bệnh viện TP.Long Xuyên (An Giang). Khi đang chạy trên QL91 thuộc phường Mỹ Thới, tai nạn đã xảy ra. Chiếc xe bồn trộn bê tông nhấn còi inh ỏi muốn vượt qua đoạn đường hẹp đang rào chắn, sửa chữa. Nghe tiếng còi rất to, anh Nam giật mình, loạng choạng tay lái nên xảy ra va chạm.
Sẽ có lệnh cấm bóp còi xe bừa bãi 
Mới đây, người dân TP.HCM đã gửi đề nghị tới Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) về việc ban hành lệnh cấm bóp còi bừa bãi. Tiếp nhận đề nghị này, ngay sau đó Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT chiểu theo các quy định hiện hành và nghiên cứu xem xét điều kiện ban hành “lệnh” cấm bóp còi xe bừa bãi, phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Cục Đăng kiểm Bộ GTVT quy định, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Nhưng thực tế có nhiều ôtô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 250 decibel, gấp 2,5 lần so với bình thường. Điều này vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông. 
Dù việc lạm dụng còi xe gây ra rất nhiều hậu quả tai hại nhưng lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) rất khó xử phạt vi phạm này. Hiện lực lượng CSGT vẫn chưa được trang bị máy đo tiếng ồn, do vậy trong nhiều trường hợp rất khó đưa ra được bằng chứng vi phạm. 
Trước tính chất nguy hiểm của việc sử dụng còi không đúng kỹ thuật, cần tăng nặng mức phạt nghiêm khắc hơn để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra trực tiếp và gián tiếp do tiếng còi xe./.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu (Bệnh viện E, Hà Nội) ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tiếng ồn đường phố luôn vượt mức cho phép, trong đó có sự “đóng góp” chủ yếu của tiếng còi xe, đặc biệt là những loại còi hơi tự chế không đúng quy định. 

Đọc thêm