Chết vì bệnh dại bởi nghe lời... “thầy lang”

(PLO) - Thời gian gần đây, các bác sĩ liên tục cảnh báo tình trạng bệnh nhân lên cơn dại vì chủ quan không tiêm vắc-xin phòng dại sau khi được “thầy lang” chẩn bệnh.
Chết vì bệnh dại bởi nghe lời... “thầy lang”
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhi N.H.H - 12 tuổi, ở Kiến Xương, Thái Bình - có biểu hiện vật vã, kích thích, sợ nước, sợ gió không ngủ được. Gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thái Bình khám, được xác định dại và chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 17/5 nhưng sau một ngày nằm viện thì bệnh nhi tử vong. Theo gia đình bệnh nhi, trước đó 20 ngày, bé bị chó cắn vào bắp chân.
Mãi một tuần sau, gia đình định đưa con đi tiêm phòng thì được truyền miệng đến một “thầy lang” có khả năng xác định vết cắn có phải do chó dại không (!?). Sau khi khám, “thầy lang” khẳng định vết cắn này không phải do chó dại. Nghe theo, gia đình không đưa bệnh nhi đi tiêm phòng và quyết định làm thịt con chó để nó không còn cắn người. Thế nhưng sau 20 ngày, bệnh nhi có biểu hiện lên cơn dại, gia đình tức tốc đưa đến bệnh viện nhưng đã quá muộn!
Trước đó, một nam bệnh nhân ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng tử vong vì lên cơn dại do tin lời “thầy lang” phán không phải do chó dại cắn. Theo người nhà bệnh nhân, để xác định người bị cắn có phải do chó dại hay không, “thầy lang” đã dùng một loại lá chà xát vào vết cắn, khi không thấy hiện hình vết răng thì “thầy” phán con chó đó không bị dại. Cũng vì cả tin nên bệnh nhân đã không tiêm phòng và sau ít ngày được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thì lên cơn co giật, tụt huyết áp, sùi bọt mép và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân bị chó dại cắn. Tất cả đều không đi tiêm ngừa dù được khuyến cáo phải tiêm vắc-xin kháng dại ngay từ đầu. Theo bác sĩ Cấp, ngoài lý do người dân chủ quan không tiêm phòng vì nghĩ “chó nuôi ở nhà cắn chắc không sao”, rất nhiều người khi bị chó cắn thường tìm đến các phương thuốc gia truyền hay các “thầy lang” để điều trị. Trên thực tế, khi virus dại đã tấn công vào não và bệnh nhân đã lên cơn dại kịch phát thì chắc chắn không cứu được.
Các bác sĩ cũng lưu ý vào mùa hè, số bệnh nhân dại nhập viện thường tăng hơn. Không chỉ những người bị chó dại cắn mà cả những trường hợp làm thịt chó dại (virus dại xâm nhập cơ thể qua những vết thương) cũng có nguy cơ mắc bệnh dại. Giới chuyên môn cảnh báo ngay cả chó nuôi trong nhà, ngoài việc tiêm phòng còn phải thường xuyên theo dõi, nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) thì phải nhốt ngay lại. Khi bị chó dại cắn thì cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.
 

Đọc thêm