Chỉ có 28% hồ thủy lợi được lập quy trình vận hành

(PLVN) - Sáng 19/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới". Sự kiện nêu ra những vấn đề cấp bách của hệ thống các hồ, đập thủy lợi đang “gánh” trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia.

Những trọng yếu của hồ, đập thủy lợi

Hiện nay, Hệ thống các hồ, đập thủy lợi “gánh” trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu như cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ; phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch… Các hồ, đập của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu và tình trạng xuống cấp công trình.

Theo ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, cả nước hiện có hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, hơn 6.700 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Trong đó, Bộ NN&PTNT được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ liên tỉnh. 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh còn lại Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý.

Các địa phương quản lý hơn 6.700 hồ. Trong đó, 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý kỹ thuật (QLKT) hơn 2.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ (chiếm 34%). Các đơn vị cấp huyện, xã QLKT hơn 4.200 hồ chứa (trong đó 64% là hồ nhỏ).

Ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Bộ NN&PTNT.

Về lòng hồ và vùng hạ du đập, nhiều hồ chứa chỉ giải phóng mặt bằng (GPMB) lòng hồ đến cao trình mực nước dân bình thường (MNDBT), chưa GPMB đến cao trình mực nước lũ thiết kế (MNLTK). Nhiều vụ vi phạm như xây nhà, trồng cây… làm giảm không gian chứa và khả năng thoát lũ của một số hồ chứa lớn như hồ Núi Cốc, Vực Mấu, Ayun Hạ, La Ring, Dầu Tiếng... Hoạt động dân sinh diễn ra trong khu vực lòng hồ tạo áp lực cho công tác vận hành hồ chứa.

Về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành (QTVH) được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập QTVH (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do).

Việc vận hành theo QTVH hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (mưa dự báo), do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa. Một số nhiệm vụ thực hiện còn hạn chế do chưa có đủ kinh phí, tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ như: phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp 28%; kiểm định an toàn 9%; QTVH 28%; lắp đặt thiết bị quan trắc KTTV chuyên dụng 17%; lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình 10%; bảo trì sửa chữa nâng cấp 27%; xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du 5%.

Đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hồ, đập thuỷ lợi

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, an toàn hồ, đập thủy lợi đang trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý tài nguyên nước của đất nước. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ, bao gồm cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, vận hành theo thời gian thực và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh mới.

Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Đỗ Văn Thành cho biết, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.

Hơn nữa, một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án bảo đảm an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du. Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không bảo đảm thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ. Công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý, khai thác; công tác hiện đại hóa quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập còn hạn chế…

Để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, ông Hoàng Văn Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”, đi cùng với đó là các các quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập. Cùng với đó là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.

Đồng thời, cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành…

Đặc biệt, nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn. Việc xây dựng các công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, AI trong việc ra quyết định trong vận hành an toàn đập, hồ chứa là cần thiết để chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu.

Đọc thêm