Chỉ nên thành lập Phòng Pháp chế ở sở, ngành có nhiều việc phục vụ người dân, doanh nghiệp

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, ở địa phương chỉ thành lập Phòng Pháp chế tại các sở, ngành có nhiều công việc liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp như Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo…
Các đồng chủ trì Hội nghị.
Các đồng chủ trì Hội nghị.

Ngày 31/3, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện KAS, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Bắc năm 2022 để đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định và tập huấn về công tác pháp chế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng đại diện Viện KAS Florian Feyerabend, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì Hội nghị.

Tạo cơ sở pháp lý trong triển khai thống nhất công tác pháp chế

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò, vị trí của công tác pháp chế. Hàng năm, Quốc hội đều nghe báo cáo về công tác triển khai thi hành Hiến pháp, Luật và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó có nội dung báo cáo về lực lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ pháp chế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức quan tâm, tại các hội nghị xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đều nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành phải quan tâm công tác pháp chế và phải coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế vững mạnh cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ quan trọng của các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Để có đội ngũ cán bộ pháp chế mạnh thì cơ sở pháp lý, biện pháp hỗ trợ… là hết sức quan trọng. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Vì vậy, Thứ trưởng mong các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực trình độ để đảm đương nhiệm vụ công tác được giao.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Đỗ Thị Thanh Hương báo cáo một số định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 55.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Đỗ Thị Thanh Hương báo cáo một số định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 55.

Trưởng đại diện Viện KAS Florian Feyerabend đồng tình, qua 1 thập kỷ thi hành Nghị định 55 đã đến cùng nhìn lại để phát hiện điểm yếu cần khắc phục, điểm mạnh cần phát huy để tiếp tục những thành công đã đạt được. Bên cạnh đó, ông hoan nghênh Hội nghị công tác pháp chế lần này hướng tới việc chú trọng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống.

Đánh giá hơn 10 năm triển khai thi hành Nghị định số 55 với những hoạt động cụ thể, thiết thực cho thấy, công tác pháp chế đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực, thu được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, nhận thức, ý thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng được nâng lên, theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên đầu tư nguồn lực để thực hiện; tới nay, đã có nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, pháp chế.

Hơn nữa, tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng lớn mạnh, năng lực, trình độ được chuẩn hóa, chất lượng công tác tham mưu ngày càng được nâng cao, hiệu quả hơn. Công tác pháp chế ngày càng nền nếp, bài bản, sắc nét hơn, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.

Có cách tiếp cận mới trong sửa đổi, bổ sung Nghị định 55

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những vướng mắc, khó khăn, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp trong quá trình xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý trong triển khai công tác pháp chế thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Bộ Nội vụ quan tâm, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định về kiện toàn tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân sự làm công tác pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Bộ Tài chính quan tâm, sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương quan tâm, tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế, đảm bảo các tổ chức pháp chế hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nghiên cứu quy định thành lập Phòng Pháp chế tại một số sở, ngành có nhiều nhiệm vụ liên quan tới công tác pháp luật, pháp chế như: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường…

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận Hội nghị.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận Hội nghị.

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ tới đây. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của công tác pháp chế, tạo điều kiện, động lực cho cán bộ pháp chế phát triển. Đồng thời, tăng cường năng lực trình độ nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, trong đó mỗi người phải tự đào tạo, học hỏi, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 tại Đại học Luật Hà Nội theo chương trình riêng cho cán bộ pháp chế cũng như đào tạo kỹ năng tại Học viện Tư pháp với các chương trình đa dạng khác nhau.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ pháp chế phải quyết tâm đổi mới, giải quyết công việc một cách bài bản hơn. Tăng cường phối kết hợp công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị, cơ quan khác. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức pháp chế, trước hết là sửa đổi, bổ sung Nghị định 55.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tổng kết Nghị định 55 để Bộ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho hay cách tiếp cận mới đối với sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 là sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tập trung quy định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; xem xét tổ chức pháp chế ở bộ, ngành theo hướng mở hơn, không cứng nhắc.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể.

Ở địa phương, Thứ trưởng cũng cho rằng chỉ thành lập Phòng Pháp chế ở sở, ngành có nhiều công việc liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp như Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo…, còn lại có vị trí pháp chế chuyên trách và có vị trí việc làm. Không những thế, sẽ cân nhắc tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ pháp chế, người đứng đầu tổ chức pháp chế, bảo đảm sát thực tế, khả thi, góp phần giúp đội ngũ pháp chế làm ngày càng tốt hơn, sâu sắc hơn nhiệm vụ của mình, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong hoạt động chung của các bộ, ngành, địa phương.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 55.

Đọc thêm