Lập kế hoạch chi tiêu
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của một mùa mua sắm Tết, bao giờ cũng là kế hoạch chi tiêu hợp lý. Đầu tiên, dựa vào tình hình tài chính của gia đình, chị em có thể vạch ra kế hoạch sao cho phù hợp.
Một kế hoạch sẽ là không tưởng, nếu đặt ra chỉ tiêu quá ít với một gia đình đông đúc, nhu cầu nhiều. Ngược lại nếu một số tiền cao hơn nhu cầu được đề ra trong kế hoạch, thì ngay ở khâu dự tính, đã cho thấy một mùa chi tiêu Tết có phần lãng phí, không hiệu quả.
Bên cạnh tình hình tài chính của gia đình, một điều cần cân nhắc trước khi lên một kế hoạch chi dùng mùa Tết, đó là cách thức ăn Tết của mỗi năm. Đối với một gia đình ăn Tết “tại chỗ”, mức độ chi tiêu Tết sẽ hạn chế hơn, còn đối với những gia đình ăn Tết xa như về quê, thì trong kế hoạch luôn có những khoản tốn kém đi kèm như vé tàu xe, quà cáp cho gia đình, bà con nội, ngoại…
Kế hoạch chi tiêu Tết, chắc chắn cũng không thể bỏ qua tình hình biến động của giá cả thị trường trên thực tế. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất dành cho chị em, thời điểm thích hợp nhất để lên kế hoạch mua sắm Tết là khoảng 1,5 tháng trước ngày Tết.
Theo chị Lương Ngọc Hòa, nhân viên thu ngân, ngụ Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ, gia đình chị Hòa có 5 người, bao gồm mẹ chồng chị, hai vợ chồng và hai đứa con. Hai vợ chồng chị là nhân viên bình thường, thu nhập không quá 20 triệu/ tháng. Những Tết trước, không có kế hoạch cụ thể, thấy cần gì mua đó, nên Tết nào cũng thiếu trước hụt sau. Năm ngoái, nghe lời khuyên của đồng nghiệp, chị lập kế hoạch sắm Tết cụ thể.
Đặt tên cho kế hoạch của mình là “Vui vẻ -Tiết kiệm”, chị đề ra số tiền 10 triệu đồng cho một mùa Tết. Chị Hòa mất một buổi để lên kế hoạch chi tiết cho những thứ cần mua. Kết quả, cộng với số tiền phát sinh, gia đình chị tốn 12 triệu tất cả cho cả mùa Tết. Các năm trước, khoản tiền mua sắm chi dùng cho Tết luôn dao động ở mức gần 20 triệu đồng.
“Săn” hàng Tết hiệu quả
Một bí quyết không kém phần quan trọng giúp cho việc mua sắm Tết được trọn vẹn, đó là tìm ra “nguồn” mua hàng với giá cả hợp lý, chất lượng tốt.
Nhiều chị em ngày nay chọn mua hàng trên mạng, săn khuyến mãi nhằm tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng bao giờ cũng là một “con dao hai lưỡi”, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít chị em thay vì mua được hàng rẻ, tốt đã phải chuốc những phiền toái khi giá rẻ đi kém chất lượng “bèo”, hoặc gặp phải hàng lỗi, phải đổi trả nhiều lần.
Bên cạnh đó, mua sắm trên mạng cũng khiến các bà nội trợ dễ bị cuốn theo, thấy rẻ là mua, mua hàng loạt, phá vỡ kế hoạch đã đặt ra. Nhiều chị em, sau một mùa Tết đã rút ra kinh nghiệm: Để bị cuốn theo các đợt khuyến mãi giá rẻ trên mạng là cầm chắc hậu quả “thủng túi”, cùng với một số hàng hóa mua về mà chẳng biết để… làm gì.
|
Nhiều chị em thì nhất nhất chọn hàng trong siêu thị, vì giá cả ổn định, chất lượng được đảm bảo. Chị Min Hạnh, ngụ đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận chia sẻ, chị cứ việc lên danh sách tất cả những thứ cần mua, đi vào siêu thị vài ngày là sắm sanh đầy đủ, vừa đỡ phải suy nghĩ, đỡ mất thời gian.
Tuy nhiên, việc mua sắm Tết là cả một “nghệ thuật”, nó thể hiện sự khéo léo, nhạy bén và “năng khiếu” của mỗi bà nội trợ. Không ít chị em, nhờ nhanh nhạy, biết cách tìm kiếm nơi mua sắm hợp lý mà tiết kiệm đến 30% chi phí.
Theo lời khuyên của những chị em kinh nghiệm lâu năm, thì đừng bao giờ nên phụ thuộc vào một nguồn mua sắm duy nhất. Mua sắm trên mạng có ưu điểm là hàng hóa phong phú, không tốn nhiều công sức và hay có khuyến mãi. Chỉ cần có sự cân nhắc, lựa chọn những đơn vị bán, người bán uy tín, người mua vẫn có thể “săn” được hàng tốt với giá phải chăng không có trong siêu thị, ngoài chợ.
Về phía siêu thị, ưu điểm là nguồn hàng phong phú, giá ổn định, chất lượng ổn định, chắc chắn là lựa chọn không thể bỏ qua cho các gia đình mỗi mùa Tết. Tất nhiên, chợ truyền thống cũng là một nơi mua sắm Tết quan trọng, bởi có những món hàng chỉ có ở chợ (chợ nông sản, chợ hoa…)
Nhiều gia đình sống ở tỉnh lẻ hoặc xuất thân từ tỉnh lẻ, ngoại ô còn có thêm một kênh mua sắm rất đáng kể, đó là những ngôi chợ quê. Chợ quê, với ưu điểm nhiều nông sản, thực phẩm “sạch”, tại chỗ với giá rẻ là một lựa chọn rất đáng kể. Chính vì thế, nhiều gia đình sống ở TP lớn, dịp Tết nhờ cha mẹ, bà con mua sắm ở chợ quê những đặc sản, nông sản quê như rau củ quả vườn quê, gà, heo nuôi, các loại khô cá và nông sản khô…
An toàn – tiêu chí hàng đầu
Tất nhiên với hàng hóa, thực phẩm ngày Tết hay kể cả trong sinh hoạt hàng ngày, không bao giờ nên đặt giá rẻ là tiêu chí tiên quyết. An toàn và giá cả hợp chắc chắn phải nên được các gia đình đưa lên hàng đầu. Vì thế, trong kế hoạch chi tiêu hay tìm kiếm nguồn mua sắm thực phẩm, hàng hóa, một lưu ý cần thiết cho chị em là luôn tỉnh táo, không bị đánh lừa bởi mức giá hấp dẫn.
Có một số nguyên tắc mà chị em cũng luôn nên đặt ra cho mình, đặc biệt là trong mua sắm thực phẩm, bởi thực phẩm quyết định trực tiếp đến sức khỏe gia đình. Tuyệt đối tránh các thực phẩm không rõ nguồn gốc như thực phẩm “tự làm” rao bán trên mạng mà không biết gì về cơ sở sản xuất; tránh xa các loại bánh kẹo Tết màu sắc rực rỡ bán đổ đống bán kí tại các chợ; xem kĩ thời hạn sử dụng của các hàng hóa khuyến mãi, bởi đôi khi hàng khuyến mãi cũng đi kèm với thời hạn sử dụng đã sắp hết…
Và nếu dành được chút thời gian, chị em hãy bớt tiêu tiền vào các thực phẩm đóng gói sẵn, tự tay làm chút bánh mứt, chút kiệu dưa và vài thực phẩm không tiêu tốn nhiều thời gian sức lực. Điều này vừa giúp tiết kiệm ít chi phí, lại an toàn sức khỏe, và khiến ngôi nhà cũng ấm cúng hơn bởi những mùi vị thơm ngon đậm hương ngày Tết.