“Chìa khoá” giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhờ chú trọng tuyên truyền áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hàng ngàn hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện thu nhập, một số hộ vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá, giàu.
Trồng dâu, nuôi tằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng thoát nghèo.
Trồng dâu, nuôi tằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng thoát nghèo.

Thu nhập bình quân trên đầu người đạt gần 45 triệu đồng/người

Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lâm Đồng, năm 2023, tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cơ bản ổn định. Về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản phát triển tương đối tốt, đảm bảo an toàn về dịch bệnh.

Về sản xuất nông nghiệp, tiến độ sản xuất đảm bảo thời vụ, nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giúp hàng ngàn hộ gia đình đồng bào DTTS thoát nghèo, một số hộ thu nhập khá, giàu.

Điển hình như mô hình làm kinh tế VAC, trồng dâu nuôi tằm tại các huyện Đam Rông, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, Đức Trọng… Hay mô hình chuyển đổi từ cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây sầu riêng, bơ ghép, tre lấy măng tại các huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; sản xuất rau, hoa tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và TP Đà Lạt; chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng đồng bào DTTS tại Lâm Đồng giảm 5,09% (giảm 4.190 hộ), trong đó tỷ lệ nghèo giảm 2,18% (giảm 1.847 hộ), cận nghèo giảm 2,82% (2.302 hộ). Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 44,95 triệu đồng/người.

Đến năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 75/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện trên địa bàn tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 82,97%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương là 82%. Tỉnh Lâm Đồng có 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học.

Trong khi đó, về công tác y tế vùng đồng bào DTTS được triển khai toàn diện, đầy đủ và hiệu quả. Theo đó, 100% xã, phường, thị trấn có Trạm y tế hoạt động; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đạt trên 99%; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; 100% đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế…

Lâm Đồng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lâm Đồng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở vùng DTTS cũng được tỉnh Lâm Đồng chú trọng. Hiện có khoảng 5.500 lao động là người DTTS đã qua đào tạo, chiếm 15,7%. Công tác quyết việc làm được quan tâm triển khai thực hiện, ước tính đến tháng 12/2023 có 5.000 lượt lao động đồng bào DTTS được tư vấn và giới thiệu việc làm.

Còn nhiều thách thức, khó khăn

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng theo Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế. Đời sống vùng đồng bào DTTS tuy được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS chưa đồng đều, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa tự bứt phá vươn lên, tư tưởng chưa muốn thoát nghèo.

Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã chưa được thường xuyên, chặt chẽ nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chương trình nên ảnh hưởng đến tiến độ, nội dung tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Cũng theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lâm Đồng, kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, một số công trình được triển khai nhưng chưa phát huy hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm năng phát triển vùng đồng bào DTTS.

Khó khăn nữa là chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng đồng bào DTTS còn những hạn chế nhất định. Chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS để giải quyết việc làm, tiêu thụ và chế biến sản phẩm… Nguồn lực cho cán bộ làm công tác dân tộc tại các huyện, thành phố còn nhiều hạn chế về cả số lượng và chất lượng nên triển khai thực hiện các chính sách vẫn chưa được liên tục, thường xuyên và hiệu quả chưa cao cũng là một khó khăn của tỉnh.

Đọc thêm