Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trong các bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ khi có hệ thống xử lý nước bề mặt, bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) không những tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng/ tháng mà còn đảm bảo nước sinh hoạt cho BV …Đây chỉ là một trong nhiều lợi ích khi các BV triển khai các giải pháp ứng phó với biển đổi khí hậu (BĐKH)
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Ngày 22/11, Tại TP Lào Cai (Lào Cai), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (SKNN&MT, Bộ Y tế ) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và xin ý kiến góp ý dự thảo Hướng dẫn xây dựng cơ sở y tế (CSYT) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), năng lượng xanh và bền vững với môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện SKNN&MT cho biết, ngày 17/11 vừa qua, tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế về BĐKH và sức khỏe, Việt Nam đã chính thức được công bố tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về BĐKH và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu cụ thể, bao gồm SDG 6 “Đảm bảo sự có sẵn và quản lý bền vững của nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”.

Để góp phần thực hiện cam kết đó, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch Hành động về ứng phó BĐKH giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu chung của Kế hoạch là “Tăng cường năng lực của các đơn vị y tế trong việc thích ứng với BĐKH để ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro về môi trường và BĐKH đối với hệ thống y tế và sức khỏe con người, nhằm mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe công cộng tốt hơn”.

TS. Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện SKNN&MT

TS. Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện SKNN&MT

Từ định hướng đó, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp Bộ Y tế triển khai dự án mô hình thí điểm nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và bền vững về môi trường của các CSYT.

Bốn hợp phần của mô hình bao gồm: 1. Quản lý nước sạch, vệ sinh và chất thải y tế; 2. Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức; 3. Hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng xanh; và 4. Cải thiện nền tảng hạ tầng, công nghệ và sản phẩm..

Dự án đã hỗ trợ các hệ thống lọc nước cho 3 mô hình CSYT tại 3 khu vực điển hình bị ảnh hưởng bởi BĐKH gồm: BV đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) – thuộc khu vực miền Trung – nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán; được hỗ trợ hệ thống lọc nước mặt (nước sông) thành nước sạch; Phòng khám đa khoa Bảo Nhai trực thuộc BV đa khoa khu vực Bắc Hà (Lào Cai) – thuộc khu vực miền núi phía Bắc - nơi bị ảnh hưởng nhiều do hạn hán, lũ lụt; được hỗ trợ hệ thống lọc nước mưa thành nước sạch; Và BV đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre) - thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi xâm nhập mặn được hỗ trợ hệ thống lọc nước lợ thành nước sạch.

BV huyện Yên Thành được WHO hỗ trợ hệ thống xử lý nước bề mặt với công suất 50-80m3/ngày.

BV huyện Yên Thành được WHO hỗ trợ hệ thống xử lý nước bề mặt với công suất 50-80m3/ngày.

Trong năm 2023, WHO tiếp tục phối hợp cùng Viện SKNN&MT hỗ trợ kỹ thuật cho 3 mô hình CSYT nhằm cải thiện nước sạch vệ sinh môi trường (WASH) thích ứng với BĐKH và bền vững với môi trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau rà soát kinh nghiệm thu được từ 3 BV tuyến huyện đã được chọn để triển khai mô hình từ năm 2021 đến 2023, với mục tiêu góp phần xây dựng hướng dẫn áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Theo đại diện BV Đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) nhu cầu nước tối thiểu của BV 200m3/ngày, nhưng thực tế nhà máy nước cung cấp chỉ khoảng 45-50m3/ngày, mới đạt 23,4%. Không những thế, lượng nước cung cấp hàng tháng không đồng đều, đặc biệt, thiếu nước trầm trọng ở các tháng 3-5 ảnh hưởng đến các hoạt động chăm sóc y tế và vận hành các hệ thống, máy móc, nhất là hệ thống xử lý chất thải lỏng đã bị hỏng do không đủ nguồn nước cung cấp để nuôi cấy vi sinh.

Tuy nhiên, sau khi triển khai mô hình thí điểm do WHO tài trợ, hệ thống xử lý chất thải lỏng mới được đầu tư với công xuất xử lý 200m3/ ngày đã đi vào hoạt động ổn định, đó cũng là cơ sở để BV thoát khỏi đơn vị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong toàn tỉnh Nghệ An.

Không những thế, mô hình này giúp cho BV tiết kiệm chi phí. Nếu như trước đây, mỗi tháng BV phải chi trả 30 triệu đồng tiền nước nhưng từ khi có hệ thống xử lý nước bề mặt BV đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng.

Hệ thống xử lý nước nhiễm mặn tại BV đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre)

Hệ thống xử lý nước nhiễm mặn tại BV đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre)

Với BV đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre), đại diện BV cho biết, nhu cầu nước sinh hoạt của BV là 140 m3/ngày đêm từ Công ty cấp nước Mỏ Cày, BV có hồ chứa đủ nhu cầu cho 2 ngày. Tuy nhiên nguồn nước bị nhiễm mặn.

Triển khai mô hình thí điểm do WHO tài trợ, trong đó hệ thống máy lọc mặn đã đáp ứng được nguồn nước đạt chất lượng cho nấu ăn, uống tại một số khoa. BV dự kiến mở rộng sử dụng cho toàn bộ khu hành chính và các khoa khác…

Từ kinh nghiệm triển khai thí điểm tại các BV, Viện SKNN&MT đã biên soạn “Hướng dẫn xây dựng CSYT có khả năng thích ứng với BĐKH và môi trường bền vững” và đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo để sớm hoàn thiện công bố để triển khai tại các BV.

Theo đại diện WHO tại Việt Nam, các BV và trạm y tế là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai và BĐKH, vì vậy việc triển khai thực hiện nhanh chóng các giải pháp thích ứng BĐKH là hết sức cấp thức. Dự án này cũng nhằm mục đích giảm lượng khí thải của ngành y tế. (trên toàn cầu, ngành y tế đóng góp 4,6% lượng phát thải khí nhà kính gây hại).

“WHO rất vui được hợp tác với Chính phủ để 3 BV huyện này có thể tiếp tục phục vụ cộng đồng một cách an toàn, và đồng thời đóng vai trò là hình mẫu cho các cơ sở y tế khác học tập. Ngoài ra, cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng hướng dẫn về khả năng thích ứng BĐKH và cải thiện dịch vụ nước sạch và vệ sinh cho các BV trên cả nước”, đại diện WHO tại Việt Nam, TS Angela Pratt phát biểu

Đọc thêm