Chiếc khăn phủ di ảnh chàng trai chết trẻ an ủi nỗi đau người mẹ

(PLO) - Chiếc khăn phủ di ảnh bỗng lật lên trong lễ gọi hồn, những cơn mộng mị của bà Lành và người thân về chàng trai chết trẻ chỉ là sự ngẫu nhiên, hệ quả của nỗi đau, nhớ, tiếc thương cùng tận. Tuy nhiên, vụ án mạng thương tâm của chàng trai, gia cảnh của người đàn bà tội nghiệp là một câu chuyện đáng đọc để suy ngẫm.
Người mẹ bật khóc trước di ảnh con
Nhà bà Bùi Thị Lành (mẹ của Đường) nằm giữa làng Tiền, thôn Trà Liên Tây xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.. Cửa chính là những thanh gỗ vừa mỏng vừa cũ nát rệu rã thì đóng; nhưng cửa bên và bếp mở toang hoang. Không một bóng người. Nhà lạnh vắng. Trên bàn thờ tuềnh toàng đơn sơ, hai tấm di ảnh như thể cũng đang ngậm ngùi, buồn bã. 
Kể về cái chết thảm của chàng trai Hồ Viết Đường (25 tuổi), người mẹ lại rơi nước mắt. Bà không chứng kiến sự việc, nghe người ta kể lại, lúc đó con bà chạy xe máy, nẹt pô. Hai thanh niên đang ngồi nhậu trong quán sát đường nói “chạy xe kiểu chi ồn ào rứa”. Hai bên lời qua tiếng lại thì con trai bà bị hai người đó dùng cây mác phạng mấy cái vào đầu, cổ, ngã vật xuống. 
Trong lúc người bạn đưa đến bệnh viện cấp cứu, trước khi hôn mê, Đường còn nói với bạn: “Nhờ nói với mạ Đường trong nhà có cái chi bán được thì bán, mạ cứu Đường với. Sau này Đường phụng dưỡng, chăm sóc mạ”. 
Trong căn nhà tồi tàn rách rưới chẳng có vật gì đáng tiền. May mà bà sui gia tốt bụng đưa 5 chỉ vàng gom góp được, cho bà Lành mượn. Đứa em trai Đường (làm ăn ở Sài Gòn) cũng bán luôn chiếc xe máy mới sắm để lo cứu mạng sống cho anh. Nhưng sau ca mổ não, Đường tiếp tục hôn mê ba ngày nữa thì tắt thở ở bệnh viện. 
Giọng bà Lành não ruột: “Lời cầu cứu của con tui ai ngờ thành lời trăng trối cuối cùng. Chắc lúc đó nó đau đớn lắm, sợ hãi lắm. Nó sợ phải chết. Vậy mà tui không cứu con được”. Bà chết lên chết xuống, nhưng cũng phải gắng gượng lo ma chay cho con.
Tuy nhiên, suốt một trăm ngày đầu, người mẹ khốn khổ lúc nào cũng nóng ruột bồn chồn. “Nhiều lúc đang tỉnh táo, tui vẫn thấy bóng thằng Đường vởn qua vởn lại trước mặt rồi tan biến. Đi xem mấy nơi, “thầy” đều nói “hồn” con tui chưa về nhà được, đang bơ vơ lạnh lẽo. Nghèo, nhưng thương con quá, tui cũng gắng sắm đồ lễ “gọi hồn” con về nhà. 
Ngay sau lễ gọi hồn, Bé (cô bạn thân của thằng Đường) hớt hải chạy qua nhà tui kể: Cháu nằm mơ thấy Đường. Hắn nói: “Bé ơi, về nói mạ tau mở cửa trước cho tau vô với kẻo tội”. 
Tui giật mình. Từ lúc con chết, tui luôn đóng cửa trước vì sợ nhìn ra đường thấy bạn bè Đường qua lại cười đùa, càng chạnh lòng, đau xót việc con chết thảm, mất mạng. Tui lật đật mở cửa. Người hàng xóm đang có mặt nghe vậy cũng thắp nén hương khấn: “Cháu có linh thiêng thì về đây với mẹ, mẹ thắp hương quảy (cúng) nước cho”. 
Nạn nhân tử vong vì một vụ ẩu đả không đáng có
Lời khấn vừa dứt, chiếc khăn phủ trên di ảnh con tui bỗng lật lên, dù không một gợn gió. Có lẽ, đó là cách con tui báo cho mẹ biết đã về nhà. Từ đó, tui cũng hết nóng ruột, bồn chồn”, người mẹ nhớ lại.
Người mẹ khốn khổ phần nào yên lòng vì tin rằng, “hồn” con đã trở về nhà. “Có lúc nằm lơ mơ trên giường, nhưng đầu óc tỉnh táo, tui thấy thằng Đường mặc bộ đồ trắng toát đứng bên bàn thờ, cạnh bình hoa cúng. Cứ nghĩ con còn sống, tui mừng quá nhoài người qua, với tay để ôm con, không ngờ rơi cái bịch xuống nền đất. Choàng tỉnh thì chẳng thấy con đâu nữa...."
Chiếc khăn phủ di ảnh bỗng lật lên trong lễ gọi hồn, những cơn mộng mị của bà Lành và người thân về chàng trai chết trẻ chỉ là sự ngẫu nhiên, hệ quả của nỗi đau, nhớ, tiếc thương cùng tận. Tuy nhiên, vụ án mạng thương tâm của chàng trai, gia cảnh của người đàn bà tội nghiệp là một câu chuyện đáng đọc để suy ngẫm.
Mời độc giả tìm đọc bài viết về câu chuyện này trên Xa lộ pháp luật số 108 phát hành ngày 7/5/2014.
Xa lộ pháp luật  - ấn phẩm đặc biệt của Báo PLVN, phát hành thứ 4, thứ 7 hàng tuần trên phạm vi cả nước, trân trọng giới thiệu với độc giả!

Đọc thêm