Chính phủ không nên “làm hết các việc của xã hội”

Hôm qua (26/6), Nhà Pháp luật Việt –Pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo về chế định Chính phủ trong Hiến pháp. Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo này là xác định đúng vị trí, chức năng của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tách bạch rõ thẩm quyền của Chính phủ (tập thể) với Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ…

Hôm qua (26/6), Nhà Pháp luật Việt –Pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo về chế định Chính phủ trong Hiến pháp. Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo này là xác định đúng vị trí, chức năng của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tách bạch rõ thẩm quyền của Chính phủ (tập thể) với Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ…

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm về chế định Chính phủ trong Hiến pháp.

Còn “lẫn lộn” chức năng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng đây là cơ hội để các chuyên gia Pháp và các đại biểu của Việt Nam trao đổi, học tập kinh nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp.

Theo ông Tuấn, cần xác định rõ vị trí, chức năng cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Chính phủ trong Hiến pháp. Đặc biệt, cần quy định trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng nền công vụ theo hướng “ trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả…”.

Sửa đổi Hiến pháp 1992, chế định Chính phủ là chế định được quan tâm hàng đầu, bởi lẽ Chính phủ là tâm điểm của kiểm soát quyền lực, toàn bộ hoạt động kinh tế quốc phòng an ninh, xã hội… đều do Chính phủ chỉ huy.

Hiện nay, Hiến pháp chưa xác định rõ Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp; việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất cũng như các quy định về chức năng của Chính phủ tại Hiến pháp chưa phản ánh đúng, đầy đủ vị trí của Chính phủ trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, chưa phản ánh được quá trình chuyển đổi tất yếu từ một Chính phủ “chấp hành” thụ động bằng mệnh lệnh hành chính trong nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp sang Chính phủ chủ động khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô trong Nhà nước pháp quyền và trong nền kinh tế thị trường. Bất cập này gây những vướng mắc cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ trên thực tế.

Ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ dẫn chứng nhiều ví dụ cho thấy “chúng ta đang lẫn lộn giữa hành pháp và điều hành hành chính, từ việc nhỏ đến việc lớn (như hoạch định chính sách) đều đến tay Chính phủ”.

Ông Khải cho rằng cần xác định lại vị trí, chức năng của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước; xác định rõ quyền hành pháp của Chính phủ (tức là hoạch định chính sách và thực thi chính sách khi Quốc hội thông qua hoặc theo thẩm quyền ban hành, kể cả chức năng công tố thuộc về Chính phủ).

Cũng theo ông Khải, cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng, Chính phủ không làm thay, làm hết các việc của xã hội. Chính phủ chỉ làm những gì mà xã hội không làm được (chuyên từ Chính phủ “vô hạn” sang Chính phủ “hữu hạn”; làm rõ sự chỉ đạo điều hành thống nhất nền hành chính quốc gia (điều hành cái gì, đối tượng điều hành)…

Kiểm soát như thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan thực hiện chức năng hành pháp (Chính phủ) với cơ quan thực hiện chức năng lập pháp (Quốc hội) và cơ quan thực hiện chức năng tư pháp (Tòa án) từ việc thành lập, cơ cấu đến chức năng nhiệm vụ từng cơ quan. Trong đó làm rõ mối quan hệ kiểm soát quyền lực với lập pháp, tư pháp từ phía hành pháp.

“Từ trước đến nay chúng ta suy nghĩ theo chiều chỉ có Quốc hội, Tòa án giám sát Chính phủ, nếu Chính phủ giám sát ngược lại thì giám sát thế nào”? - ông Phạm Tuấn Khải đặt câu hỏi.

Về vấn đề kiểm soát quyền lực, quá trình lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp, nhiều quan điểm cho rằng “nhằm đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau ở mức độ tương đối để tránh sự “lạm quyền” của Chính phủ”.

Bên cạnh đó, cần bổ sung một số quy định như mở rộng thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia trong lĩnh vực hành pháp hay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung những quy định nhằm đảm bảo vai trò giám sát của Quốc hội với hoạt động hành pháp của Chính phủ đi vào thực chất; xây dựng cơ chế kiểm tra và phán quyết đối với các hành vi của Chính phủ thông qua vai trò xét xử của tòa án…

Được biết, việc sửa đổi Hiến pháp lần này một trong những nội dung trọng tâm là đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; kế thừa những nhân tố hợp lý trong tổ chức quyền lực của Hiến pháp 1992; đổi mới sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, đề xuất quy định rõ cơ quan lập pháp là Quốc hội, hành pháp là Chính phủ và tư pháp là Tòa án.

Thu Hằng

Đọc thêm