Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại

(PLO) - Các nhân viên liên bang của Mỹ ngày 23/1 làm việc trở lại sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu chấm dứt chuỗi 3 ngày đóng cửa của Chính phủ. 
Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Theo New York Times, việc mở cửa trở lại Chính phủ liên bang ở Mỹ diễn ra trong bối cảnh các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ chịu áp lực phải thông qua dự luật chi tiêu tạm thời để cấp ngân sách cho các hoạt động của Chính phủ mà chưa thể giải quyết cùng lúc số phận của những người nhập cư không giấy tờ trẻ tuổi.

Ngày 22/1, dự luật chi tiêu tạm thời đã được thông qua tại Thượng viện Mỹ với tỉ lệ 81 nghị sỹ đồng ý và 18 người phản đối. Tại Hạ viện, dự luật được thông qua với tỉ lệ phiếu bầu là 266-150. 3/4 nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối dự luật. 

Ngay sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua, Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật thành luật và các hoạt động của Chính phủ Mỹ đã trở lại bình thường trong ngày 23/1. Cùng với việc chấm dứt thế giằng co tại Quốc hội Mỹ, giúp hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đã buộc phải nghỉ việc được đi làm trở lại, đạo luật trên cũng đã gia hạn việc cấp ngân sách cho Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em thêm 6 năm. Gần 9 triệu trẻ em tại Mỹ là đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm này.

Tuy nhiên, phần chính của thỏa thuận mà đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt được để phá thế bế tắc trong Quốc hội Mỹ - chính là cam kết tạo cho phép tiến hành một cuộc bỏ phiếu về vấn đề nhập cư trong vài tuần tới được lãnh đạo phe đa số tại Thương viện Mitch McConnell đưa ra – cũng đã đặt nền móng cho một trận chiến tại Quốc hội Mỹ về số phận của những người nhập cư được đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ em và được gọi là Dreamers trong những ngày tới.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết ông hy vọng đảng Cộng hòa sẽ giữ đúng cam kết giải quyết những lo ngại của đảng Dân chủ về Chương trình Hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ (DACA). “Nếu ông ấy không giữ lời, ông ấy sẽ làm mất niềm tin của không chỉ các thượng nghị sỹ Dân chủ mà còn của cả các thành viên trong đảng của chính ông ấy”, ông Schumer nói. Chương trình DACA bảo vệ những Dreamers khỏi bị trục xuất hết hạn vào ngày 5/3, đẩy số phận của khoảng 700.000 “Dreamers” hiện ở tình trạng vô định.

Tuy nhiên, các nhà làm luật ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ vẫn thể hiện quan điểm khác nhau về cách giải quyết số phận của những người này. Tất cả các bên cũng cho rằng ông Trump sẽ phải can dự vào việc giải quyết tranh chấp về người nhập cư. Song, đến nay, ý đồ của ông Trump cũng vẫn rất khó đoán định. “Chiến thắng lớn cho đảng Cộng hòa khi đảng Dân chủ nhượng bộ về đóng cửa Chính phủ. Giờ đây, tôi muốn có một chiến thắng lớn cho tất cả mọi người, cả đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và cả DACA và đặc biệt là quân đội và an ninh biên giới của chúng ta. Hẹn gặp các vị tại bàn đàm phán”, ông Trump phát biểu sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, đề cập đến những người nhập cư Dreamers.

Theo AFP, dù Chính phủ Mỹ đã mở được cửa trở lại sau 3 ngày dừng hoạt động, nhưng với việc tranh cãi cơ bản về người nhập cư và việc chi tiền cho bức tường biên giới của ông Trump vẫn chưa được giải quyết, đảng Dân chủ và Cộng hòa rất có thể lại lặp lại tình thế của những ngày qua vào ngày 9/2 tới. 

Đọc thêm