Sáng qua (10/5), Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV của Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 1 tỉnh Đồng Nai, đã diễn ra tại UBND phường An Bình, TP Biên Hòa. Tham dự hội nghị có ĐBQH Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; và ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề được các cử tri đặc biệt quan tâm như hoạt động phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phúc lợi dành cho những người có công, bên cạnh đó nhiều vấn đề tại địa phương như xử lý rác thải, tình trạng hút cát lậu trên sông Đồng Nai, các vấn đề liên quan đất đai tại một số dự án lớn như Long Hưng, Sơn Tiên… đã được người dân nêu ý kiến phản ánh. Trong suốt hội nghị, có tổng cộng 50 phiếu phát biểu ý kiến của các cử tri gửi tới, trong đó có 18 cử tri phát biểu trực tiếp.
Sau khi lắng nghe, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã trả lời một số ý kiến của người dân, bên cạnh đó một số ý kiến theo ông Lộc cần phải xem xét nên sẽ chuyển qua những cơ quan có thẩm quyền xử lý, đồng thời phối hợp các sở ban ngành xử lý các vấn đề còn tồn đọng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng cho biết: “Hiện công tác xử lý vấn đề tham nhũng đang diễn ra rất mạnh tay, không có ngoại lệ, không có “vùng cấm”. Gần đây đã khởi tố một số cán bộ có chức vụ cao nhưng có hành vi tham ô, hối lộ”.
Ông Thưởng cũng nhấn mạnh, chính sách với người có công luôn là chủ trương nhất quán ưu tiên của Đảng và Nhà nước, nhưng phải theo lộ trình, phù hợp khả năng kinh tế.
Trả lời ý kiến của cử tri về một số vấn đề tại Đồng Nai, ông Thưởng nói: “Về các dự án tại Đồng Nai, hai cái lớn nhất là Long Hưng và Sơn Tiên, hiện theo tôi được biết Chính phủ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo thanh tra. Trước đây, sau khi Báo PLVN có loạt bài phản ánh một số điều không được của dự án Long Hưng, với cương vị phụ trách ngành, tôi đã chỉ đạo làm việc và trao đổi với đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực, để làm sao làm rõ”.
“Đi tiếp xúc cử tri là để nghe dân nói và giải quyết. Mong sao mỗi lần tiếp xúc cử tri, những vấn đề cử tri nêu ra đều sẽ được giải quyết, nhất là những đơn phản ánh về công tác cán bộ, nếu sát sườn chỉ đạo tới nơi tới chốn, sẽ giải quyết dứt điểm được”, ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng kêu gọi vai trò giám sát của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, người dân đối với cán bộ đảng viên…”. Có những vụ việc nhận văn bản trả lời thì tưởng được rồi. Nhưng gặp dân, tiếp xúc dân thì những bức xúc vẫn còn nên chính quyền cần xem lại”, ông Thưởng nhấn mạnh và yêu cầu TP Biên Hòa tập trung giải quyết những vụ việc khiến dân bức xúc kéo dài.
Năm 2018, Báo PLVN đã có loạt bài phản ánh dấu hiệu một số sai phạm tại dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư) như sai về thẩm quyền cấp phép, về chính sách đền bù hỗ trợ cho nông dân mất đất…
Dấu hiệu sai phạm trong dự án Sơn Tiên lấy gần 400 ha đất của xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sơn Tiên, trụ sở số 149 đường Nguyễn Duy Dương, phường 3, quận 10, TP HCM), cũng đang được PLVN phản ánh. Từ khi triển khai chuẩn bị đầu tư năm 2002 đến nay đã 17 năm, phần lớn diện tích trong số 400 ha đất vẫn chỉ um tùm đủ loại cây. Nhiều nông dân hiện vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo Sơn Tiên lấy đất rồi bỏ hoang, đề nghị trả lại nhà đất cho dân.
Mới đây nhất, PLVN đăng tải loạt bài về sự việc DNTN Thuận An 2 do cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, ngụ số nhà 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa) làm chủ, kêu cứu bị Đồng Nai áp dụng sai luật, đối xử bất bình đẳng, ngăn cản đầu tư kinh doanh hợp pháp. Sau đó hàng trăm ngàn m2 đất của Thuận An 2 đã bị thu hồi trái luật giao Dona Coop khai thác đá. Quá trình tính toán bồi thường khuất tất bị khiếu nại và chưa nhận một đồng bồi thường nhưng Thuận An 2 đã bị cưỡng chế, mất sạch tài sản. Số đất 5 ha còn lại, Thuận An 2 xin được khai thác sử dụng tránh tình trạng “đất chết”, vẫn không được chấp nhận.
Sự việc không chỉ khiến Thuận An 2 trắng tay, mà còn ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ Mai vốn là người nước ngoài nhưng từ bỏ quốc tịch Pháp, xin nhập quốc tịch Việt Nam để có quyền làm ăn, nên cụ Mai cho rằng sự việc còn ảnh hưởng tới niềm tin của Việt kiều muốn đầu tư về nước.
Sau khi PLVN đăng tải loạt bài, mới đây Thanh tra Chính phủ đã có cuộc làm việc với Báo, tiếp nhận nghiên cứu hồ sơ để có các bước làm việc tiếp theo.