Chính quyền bao che để trưởng thôn phân lô bán đất công?

(PLO) - Năm 2001, ông Nguyễn Hữu Nam - Trưởng thôn Châu Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã phân 16 lô đất công ích (khoảng 2.000m2, thuộc đất Đồng Bến) bán đấu giá. Sau khi đấu trúng, nhiều hộ dân phát hiện việc tổ chức bán đấu giá trên có những điểm thiếu minh bạch. Khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những hộ trúng đấu giá mới biết việc đấu giá là bất hợp pháp nên họ không được cấp Giấy chứng nhận? 
Tự ý phân lô bán đất công?
Theo phản ánh của nhiều người dân, việc ông Nam tổ chức bán đấu giá đất được diễn ra công khai tại hội trường thôn. Trước đó, mọi người đều được phổ biến rằng việc bán đấu giá là hợp pháp và sau khi mua đất họ sẽ được làm nhà ở trên mảnh đất đó. Thực tế, nói là bán đấu giá nhưng khi thu tiền, kế toán chỉ viết biên nhận là cho thuê đất để phù hợp với quy định về việc sử dụng đất công ích và không hề có hợp đồng thuê đất giữa các bên. Việc thu tiền được thể hiện bằng hai loại phiếu khác nhau: một là phiếu thu của thôn, một là giấy biên nhận viết tay. 
Ngoài ra, việc bán đấu giá được thực hiện theo hình thức ai trả giá cao thì người đó trúng đấu giá, không quy định giá sàn, bên tham gia đấu giá không phải bỏ tiền đặt cọc. Toàn bộ 16 lô đất đã được bán cho những người trúng đấu giá với giá bình quân khoảng 30 triệu đồng/lô. Sau đó, nhưng lô đất này đã được các hộ gia đình xây dựng nhà  kiên cố và nhà xưởng.
Một thời gian sau, khi đi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những hộ trúng đấu giá mới biết việc bán đấu giá là bất hợp pháp, vì thế không được cấp Giấy chứng nhận. Những hộ dân này cho rằng, việc ông Nguyễn Hữu Nam đã tự ý phân 16 lô đất công ích (khoảng 2000 m2) để bán đấu giá cho các hộ dân để sử dụng làm đất ở là trái quy định của pháp luật. 
 Khu đất Đồng Bến được phân16 lô để bán đấu giá.
Quá bức xúc, nhiều hộ dân thôn Châu Phong đã gửi đơn lên UBND huyện Đông Anh, UBND TP.Hà Nội tố cáo ông Nguyễn Hữu Nam có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất công ích. Từ đó, họ mong cơ quan chức năng xác minh, làm rõ hành vi vi vi phạm của ông Nguyễn Hữu Nam và làm rõ số tiền mà ông Nam thu của các hộ dân trúng đấu giá được sử dụng vào mục đích gì. Bên cạnh đó, liệu rằng có lợi ích cá nhân trong việc tổ chức bán đấu giá đất hay không?
Chính quyền các cấp “né tránh”?
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thôn Châu Phong: Từ trước đến nay, UBND huyện Đông Anh chưa hề ban hành bất kỳ một văn bản nào cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu đất trên để bán đấu giá cho các hộ dân làm nhà ở, nhà xưởng. Toàn bộ khu đất trên không hề có phương án quy hoạch cho bán đấu giá hoặc cho thuê. Vậy mà ông Nguyễn Hữu Nam vẫn tự ý phân 16 lô đất cho bán đấu giá, rồi chỉ đạo kế toán viết Giấy biên nhận là thuê đất. Không hiểu việc làm trên của ông Nam chính quyền xã Liên Hà không biết hay đã làm ngơ để cấp dưới của mình “lộng quyền”?
Để tìm hiểu rõ hơn những nội dung mà người dân phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, phóng viên (PV) đã đến liên hệ làm việc với UBND xã Liên Hà. Tiếp PV là một cán bộ Văn phòng Ủy ban, sau khi photo giấy giới thiệu và yêu cầu phóng viên cung cấp nội dung làm việc để đi báo cáo lãnh đạo, vị ấy quay cho biết phía xã “sẽ xếp lịch và thông báo lại sau”. Tiếp đó, PV nhiều lần đến liên hệ làm việc với UBND huyện Đông Anh, thế nhưng, vẫn chỉ nhận được câu trả lời là các lãnh đạo đều bận và hẹn PV đến lúc khác. 
Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cần tích cực điều tra, tìm hiểu và giải quyết những nội dung đơn thư tố cáo của người dân thôn Châu Phong về những việc làm trên của ông Nguyễn Hữu Nam. Từ đó, sớm có câu trả lời cho người dân, tránh gây ra sự bức xúc và hoang mang trong dư luận. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Báo Pháp Luật Việt Nam nhận được đơn của người dân thôn Châu Phong về việc khiếu nại, tố cáo ông Nguyễn Hữu Nam có những hành vi trái quy định pháp luật. 
Trước đó, ông Trưởng thôn Nguyễn Hữu Nam cũng đã bị người dân thôn Châu Phong khiếu nại về hành vi “chiếm đoạt” trái phép 17.500 m2 đất ruộng của người dân để lập trang trại cho cá nhân mình, dưới hình thức xin mượn và thuê đất. Về việc này, UBND huyện Đông Anh đã thành lập đoàn thanh tra giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND xã Liên Hà và các đơn vị có liên quan kiểm tra, giải quyết. Thế nhưng đã nhiều ngày trôi qua mà vụ việc trên vẫn chưa có kết luận và giải quyết triệt để. 
Hơn nữa, theo thông tin người dân cung cấp, mặc dù trang trại vẫn đang tồn tại một cách trái phép, lãnh đạo thôn lại cố tình tiến hành họp dân nhằm xúc tiến việc dồn điền đổi thửa (đất của trang trại phần lớn là đất ruộng mà người dân vẫn canh tác, ngay cả khi hoạt động trang trại còn làm ảnh hưởng tới những lô đất ruộng xung quanh - PV)
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm