Chính quyền Đại Mỗ cần xem xét quyền lợi của người dân

“Khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã áp dụng không đúng chính sách về đền bù, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, đó là phản ánh của một số hộ dân trú tại Thôn Đình, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội gửi Báo PLVN.

“Khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã áp dụng không đúng chính sách về đền bù, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, đó là phản ánh của một số hộ dân trú tại Thôn Đình, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội gửi Báo PLVN.

Theo phản của ánh của gia đình bà Bùi Thị Thượng và Nguyễn Thị Lợi (cùng trú tại thôn Đình), năm 1980 gia đình các bà được UBND xã Đại Mỗ giao sử dụng các thửa đất có diện tích 342m2 và 362m2. Khi giao đất, UBND xã xác định đây là đất 5% để tăng gia sản xuất rau màu. Trong quá trình sử dụng qua các thời kỳ, các hộ đều đóng thuế đầy đủ (thể hiện bằng các hóa đơn nộp thuế). Đến năm 2008, UBND xã Đại Mỗ không yêu cầu nộp thuế nữa nhưng vẫn để cho các hộ sử dụng thửa đất này.

Năm 2011, UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi diện tích đất nêu trên và xác định đất của các hộ là “đất nông nghiệp để lại không giao cho UBND xã quản lý”. “Việc xác định nguồn gốc thửa đất của gia đình chúng tôi là “đất NN không giao cho UBND xã quản lý” là không chính xác. Bởi thửa đất này chúng tôi đã sử dụng nhiều năm và do UBND xã Đại Mỗ giao, có đóng thuế đầy đủ. Việc UBND huyện Từ Liêm hỗ trợ về đất là 80.000 đồng/m2, tiền cây cối hoa màu 18.000đồng/m2?, là không đúng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, bà Thượng và bà Lợi bức xúc.

Ông Nguyễn Minh Giảng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ cho biết: “Diện tích đất các hộ sử dụng từ năm 1980 là do HTX giao cho xã viên. Nhưng đến năm 1997, UBND xã giao đất NN lại cho dân  theo Nghị định 64 và chúng tôi phải lập quy hoạch quỹ đất địa phương, xây dựng phương án giao đất, từ đó không còn đất 5% nữa, phần diện tích đất trên của các hộ không thuộc diện giao đất theo Nghị định 64, nhưng các hộ vẫn sử dụng nên phải nộp thuế cho nhà nước”.

Theo Luật sư Đậu Công Danh (Cty TNHH Luật Lê và Liên danh): Pháp luật vào thời điểm các hộ được giao đất và hiện hành đều không có quy định về đất 5% được dùng để tăng gia sản xuất. Mặt khác, Nghị định 64/NĐ-CP (nay được thay thế bằng Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất Đai) thì đất 5% là  loại đất “căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của mỗi địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất NN sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có loại đất này, đây là tên gọi của loại đất trước kia do HTX trích % (5%) quỹ đất HTX hoặc các hộ dân sau khi đưa đất vào HTX thì được giữ lại % (5%) giao cho các hộ nông dân được tự chủ phát triển kinh tế (trồng rau, hoa màu). Căn cứ đơn của các hộ dân thì đất này đã được các hộ sử dụng từ năm 1980 và đóng thuế cho UBND huyện Từ Liêm đầy đủ.

Vì vậy, theo Điều 50 Luật Đất Đai 2003 nếu diện tích đất mà các hộ đang sử dụng từ năm 1980 đến nay không có tranh chấp mà có các giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật Đất Đai thì các hộ được cấp sổ đỏ cho mảnh đất trên. Khi đó, việc bồi thường, hỗ trợ các hộ sẽ theo Khoản 3 Điều 13 Quyết định 108/2009/QĐ – UBND ngày 29/09/2009 của UBND TP Hà Nội về quy chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội: “Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất NN trong địa giới hành chính phường thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất NN cùng mục đích sử dụng quy định tại Bảng giá đất do UBND TP ban hành hàng năm còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình của khu vực; diện tích được hỗ trợ theo diện tích thực tế bị thu hồi nhưng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở mới tại địa phương (không hỗ trợ nhà).        

UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND huyện Từ Liêm xem xét giải quyết vụ việc một cách thấu đáo nhằm đảm bảo quy định của pháp luật, tránh khiếu kiện kéo dài.

Trung Anh

Đọc thêm