Chưa định hình rõ mô hình chính quyền địa phương
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) tán thành cao với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này. Điểm duy nhất ông Quyền chưa bằng lòng là việc sử dụng thuật ngữ chính quyền địa phương gồm cả HĐND và UBND.
“Quy định như Dự thảo dễ tạo ra cách hiểu là phân quyền, địa phương muốn làm gì thì làm. Đành rằng khơi dậy tính vươn lên của địa phương là rất nên nhưng lưu ý ở nước ta quyền lực nhà nước là thống nhất, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất”, do đó ông Quyền đề nghị quy định theo hướng “HĐND, UBND tổ chức ở 2 cấp, được thành lập để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định”.
Liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, nhiều ĐB đánh giá Dự thảo đã có sự tiếp thu nhưng vẫn thể hiện sự lúng túng. “Đọc chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa định hình được chính quyền địa phương là gì. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng chưa rõ. Có thể do chưa có tổng kết thực tiễn nên thể hiện còn lúng túng. Cần có sự đầu tư một cách thích đáng để có thể thông qua tại Kỳ họp này” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phát biểu.
ĐB Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cũng đề nghị: “Cần nói rõ trong tương lai, chỗ nào tổ chức chính quyền địa phương, chỗ nào chỉ cần ủy ban hành chính. Bên cạnh đó, nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng trong Hiến pháp vẫn không mạnh dạn thể hiện điều này”.
Vẫn băn khoăn thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội
Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Nhiều ĐB nhận định quy định thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh… thì không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì chưa rõ. Thực tế hiện nay, dù đã có quy định nhưng người dân vẫn không đồng tình là vì một số dự án không rõ mục tiêu, không rõ đền bù… dẫn đến khiếu kiện triền miên.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) góp ý, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết nhưng nếu quy định không khéo sẽ bị lợi dụng, mà thực tế trong nhiều năm qua đã bị lợi dụng. Vì vậy, Hiến pháp cần quy định rõ thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng tỏ rõ sự băn khoăn đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. “Trên thực tế phải thừa nhận là nhờ thu hồi đất mà chúng ta xây dựng được những dự án lớn, có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng như vậy. Phải làm rõ xem vì sao luật hiện hành quy định bồi thường thỏa đáng nhưng dân vẫn kiện. Nếu giữ như quy định của Dự thảo thì phải sát sao hơn”, ông Lợi đề nghị.
Theo chương trình, ngày 5/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình):
“Sẽ rất nguy hiểm khi UBND chấp hành Nghị quyết của HĐND rồi mới thực thi Hiến pháp và pháp luật”
Bộ trưởng cho biết: “Một điểm rất mới, rất quan trọng được đưa ra trong Cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Vậy thử hỏi, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định Chính phủ kiểm soát cái gì đối với lập pháp và tư pháp?. Chỉ có lập pháp là kiểm soát rất chặt hành pháp và tư pháp. Đương nhiên, tư pháp cũng kiểm soát hành pháp vì anh xét xử các vụ án hành chính. Nhưng Chính phủ kiểm soát cái gì đối với lập pháp, tư pháp thì tôi thấy hoàn toàn chưa có.
Nếu vẫn tiếp tục xem Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì độ trễ trong phản ứng trước những biến động trong nước, quốc tế nhanh chóng như hiện nay sẽ làm chậm sự phát triển, thậm chí kìm hãm sự phát triển của đất nước”.
Về chính quyền địa phương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Trong điều kiện một đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện và trong một Nhà nước đơn nhất như chúng ta thì nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền địa phương phải là bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, nếu vẫn xem HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vẫn quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND thì UBND sẽ vẫn chấp hành Nghị quyết của HĐND đầu tiên, rồi mới đến thi hành Hiến pháp, pháp luật và điều này là rất nguy hiểm”.
Hồng Thúy (ghi)