Bỏ tiền mua đất và lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ qua bốn năm trời chưa được, đến nay gia đình ông Nguyễn Tần (SN 1971, cư trú tại tổ 7. KV 5, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định) lại phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng chế do cách giải quyết “tiền hậu bất nhất” của chính quyền.
Căn nhà ông Tần xây dựng dở dang phơi nắng mưa từ tháng 6/2011 đến nay. |
Người dân bị "đòn oan"
Năm 2002 ông Nguyễn Tần mua của gia đình ông Nguyễn Đức Long khoảnh đất thổ mộ có trích lục trước năm 1975, diện tích 847,16m2 ( thuộc tổ 7. KV 5, phường Nhơn Phú) với giá sáu mươi triệu đồng. Đến năm 2004 ông sửa sang lại căn nhà tạm để trông coi cây cảnh.
Năm 2009, ông Tần lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSD đất với mục đích sử dụng đất ở. Xác nhận trong hồ sơ, khu dân cư, hội đồng xét duyệt đất đai và UBND phường Nhơn Phú đều kết luận đây là thửa đất thổ mộ ông Tần sang nhượng của gia tộc ông Long từ năm 2002, không có tranh chấp, hiện tại sử dụng là đất ở và trồng cây hàng năm, đề nghị Phòng TN&MT và UBND thành phố xét cấp Giấy chứng nhận QSD đất.
Tháng 5/2009, ông Tần gởi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký QSD đất và yên tâm chờ đợi 55 ngày sẽ có sổ đỏ như trong giấy hẹn. Không ngờ hai năm sau chưa có sổ đỏ và cũng không thấy cơ quan nào giải thích tại sao. Ông Nguyễn Tần cho biết thêm “Trong khi đất của tôi không được cấp quyền sử dụng đất nhưng hai mảnh đất bên cạnh đều đã có sổ đỏ”.
Trong tình thế bí bách về nhà ở, ông Tần buộc phải làm nhà không phép vì vợ sắp sinh và nhà thuê tới kỳ phải trả. Ngay sau đó UBND phường Nhơn Phú đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định đình chỉ thi công số 184/QĐ-UBND đối với ông Tần.
Cùng với việc ban hành Quyết định đình chỉ thi công, UBND phường Nhơn Phú đồng thời gởi giấy mời ông Tần đến trụ sở đội thuế phường để nộp thuế xây dựng cơ bản. Vì vậy, sau khi nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2488/QĐ-XPHC ngày 08/6/2011 của UBND thành phố Quy Nhơn, ông Tần vẫn tiếp tục làm nhà vì đinh ninh đã đóng thuế là được cho tồn tại.
Đến khi UBND thành phố ban hành tiếp Quyết định xử phạt hành chính số 2768/QĐ-XPHC ngày 20/6/2011, ông Tần mới “tá hoả” khi nghe lãnh đạo phường Nhơn Phú giải đáp rằng tiền thuế xây dựng là thu của thầu xây dựng, dù công trình không phép cũng phải nộp. Ông Tần nói “Giải thích như vậy có đúng không trong lúc giấy mời ghi đích danh tôi là người nộp thuế? Và khi nhà vừa xây thô xong tầng một đã bị đình chỉ thì tại sao phải nộp thuế xây dựng?” Ông Tần bức xúc.
Dù đã chấp hành đình chỉ thi công nhưng ông Tần tiếp tục bị “đòn oan”. Nhằm “nâng cấp” thẩm quyền xử lý để “làm gương”, ngày 30/6/2011, UBND thành phố Quy Nhơn tiếp tục lập Tờ trình số 140/TTr đề nghị UBND tỉnh Bình Định xử phạt gia đình ông Tần.
Có lẽ vì chỉ nghe cấp dưới tham mưu mà không nắm rõ ngọn ngành nên sau đó, UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 01/8/2011 xử phạt ông Tần với mức kỷ lục: 400.000.000 đồng và buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép.
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSD đất của ông Tần được UBND phường Nhơn Phú xác nhận năm 2009 |
UB phường làm việc theo “tư duy nhiệm kỳ”?
Bị hai cấp chính quyền xử phạt cùng một lỗi vi phạm với mức phạt “khủng”, ông Tần gởi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Bình Định nhưng bị bác đơn. Cơ cực hơn, trên hành trình kêu oan ông Tần phát hiện ngoài lỗi vi phạm xây dựng không phép, gia đình ông còn bị “quy chụp” hành vi lấn chiếm đất công, dẫn đến việc hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSD đất bị câu dầm suốt mấy năm trời .
Vì sau khi ông Tần nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSD đất, theo yêu cầu của Văn phòng đăng ký QSD đất thành phố, ngày 28/01/2011, UBND phường Nhơn Phú đã có công văn số 15/CV-UBND trả lời về thửa đất của ông Tần. Lúc này ông Đoàn Quang Khải đã thay ông Huỳnh Văn Phương làm chủ tịch UBND phường Nhơn Phú nên đã xảy ra hiện tượng “truy cứu” lại vụ việc.
Trong công văn số 15/CV-UBND này, UBND phường Nhơn Phú đã xác nhận thửa đất của ông Tần “thuộc thửa đất số 415, tờ bản đồ số 9, diện tích 1.260m2, loại đất hoang trong đó có một phần diện tích là đất thổ mộ”. “Năm 2002, ông Tần mua lại phần diện tích đất thổ mộ của gia đình ông Long, ông đã chiếm luôn phần diện tích của đoạn đê cũ và lấn một phần diện tích của thửa đất số 263, loại đất mạ thuộc quỹ đất công” và khẳng định “đây là văn bản thay thế các văn bản xác nhận trước đây phường đã gởi Văn phòng đăng ký QSD đất”.
Cách làm “phủ nhận sạch trơn” này khiến công luận rất bất ngờ bởi nhiều người từng ký hồ sơ cho ông Tần trước đây hiện vẫn đương chức trong UBND phường Nhơn Phú. Cùng một chính quyền phường Nhơn Phú nhưng “ông” trước bảo đúng, “ông” sau lại bảo sai.
Theo lời ông Tần xác nhận, thực tế diện tích thửa đất gia đình ông đang sử dụng chưa đến 800m2, trong khi giấy chuyển nhượng và hồ sơ xin cấp Giấy CNQSD là 847,16m2. Qua đó có thể thấy việc quy kết gia đình ông Tần lấn chiếm đất mạ, đất đê cũ là không có cơ sở vì nếu như vậy thì diện tích thực tế phải tăng chứ không thể giảm.
Ông Tần cho biết thêm: “Trước giờ ở đây không nằm trong quy hoạch đất an ninh, quốc phòng hay an sinh xã hội. Có nhiều người, cả cán bộ cấp tỉnh đã đến đây mua đất cất nhà giống tôi. Vậy mà bây giờ lại buộc tôi lấn chiếm đất công và cưỡng chế tháo dỡ thì tội cho gia đình tôi quá. Trong khi gia đình tôi chỉ có duy nhất thửa đất này và không còn chỗ ở nào khác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng không xác định được tôi lấn chiếm đất công với diện tích bao nhiêu”.
Quyết định số 29/2011-QĐ-UBND ngày 14/9/2011 của UBND tỉnh Bình Định), điều 1, khoản 12 “…Những hộ gia đình, cá nhân không có nơi ở hợp pháp (ngoài nơi lấn chiếm) trước ngày 1.7.2004, thì UBND các huyện, thành phố tiến hành quy hoạch khu dân cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao đất ở cho những đối tượng này và phải nộp tiền sử dụng đất theo đúng quy định hiện hành”. Như vậy, có thể thấy trường hợp thửa đất ông Tần mua của ông Long từ năm 2002, làm nhà tạm từ năm 2004 hiện nằm trong địa bàn khu dân cư,không có tranh chấp gia đình không còn chỗ ở nào khác là thuộc diện được xem xét để cấp sổ đỏ theo Quyết định số 29/2011-QĐ-UBND ngày 14/9/2011 của UBND tỉnh Bình Định. |
Uyên Thu