Chính quyền vô cảm trong việc xác minh truy tặng liệt sỹ

Dù được nhiều nhân chứng xác nhận, người thân làm đầy đủ hồ sơ theo quy định để xin công nhận liệt sỹ cho một chiến sỹ trung kiên đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn ngó lơ trước sự đau buồn của thân nhân liệt sỹ.

Dù được nhiều nhân chứng xác nhận, người thân làm đầy đủ hồ sơ theo quy định để xin công nhận liệt sỹ cho một chiến sỹ trung kiên đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn ngó lơ trước sự đau buồn của thân nhân liệt sỹ.

Câu chuyện cảm động

Theo ông Nguyễn Quang Cương, trú tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội (từng tham gia kháng chiến chống Mỹ: Gia đình ông có hai người tham gia cách mạng, đều hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Một là Nguyễn Văn Khuây, con cô ruột, được bố mẹ ông Cương nuôi từ nhỏ đến khi trưởng thành, tham gia du kích xã, sau đó vào bộ đội địa phương Liên khu Bắc, hy sinh ngày 15/3/1949 trong một trận chống càn. 

Ông Cương (giữa) và ông Cước (bên phải) trao đổi với báo chí.
Ông Cương (giữa) và ông Cước (bên phải) trao đổi với báo chí.

Con thứ hai là Nguyễn Quang Tính, anh ruột ông Cương, cũng tham gia du kích xã rồi vào bộ đội Liên khu Bắc. Trong một trận chống càn vào tháng 10/1949, ông Tính bị địch bắt, đưa về giam Nhà tù Máy Chai, TP Nam Định. Tối 19/12/1951, ông Tính cùng đồng đội là Hoàng Thạch và một số anh em khác nổi dậy đánh chiếm nhà tù, nhưng không thành công. Sáng 20/12/1951, địch đưa hai ông Nguyễn Quang Tính và Hoàng Thạch ra trường bắn Ba căng để xử bắn. Sau đó, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, ở số 4, xóm Đình Phú Long A, TP Nam Định (cũ) là cơ sở cách mạng lén đưa xác hai ông chôn tại nghĩa trang Mỹ Tân, gần trường bắn. Đến năm 1953, gia đình ông Cương đưa hài cốt ông Tính về an táng tại nghĩa trang của thôn.

Câu chuyện của gia đình ông Cương được ông Nguyễn Văn Cước (SN 1927), nguyên là Xã đội phó xã Đại La (cũ, nay là xã La Phù) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hiện trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, bà Nguyễn Thị Hiền; bà Ninh là cựu tù chính trị bị giặc bắt tù đày, Chủ tịch UBND lâm thời xã Đại La…Đặc biệt, ông Đỗ Thanh Xuân, 86 tuổi, cựu tù chính trị, người từng cùng bị giam tại Nhà tù Máy Chai với ông Tính xác nhận…nhưng không hiểu sao vẫn không đủ tin cậy để các cơ quan chức năng mang lại danh hiệu liệt sỹ cho ông Tính.

Cần trả lại tên cho liệt sỹ

Trải qua một thời gian dài, dù đã làm đầy đủ hồ sơ theo quy định để xin công nhận liệt sỹ cho ông Tính, và nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay gia đình ông Cương vẫn chưa được nhận Bằng Tổ quốc ghi công và phần mộ của ông Tính vẫn chưa được chuyển vào nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Qua tìm hiểu được biết: Trong thời gian hoạt động du kích xã, khi được kết nạp vào Đảng, để bảo đảm bí mật ông Tính lấy bí danh là Nguyễn Quang Cung và từ đó hoạt động với tên này. Khi hy sinh ông cũng có tên là Nguyễn Quang Cung và được báo về xã. Năm 1956, sau cải cách ruộng đất, chính quyền xã La Phù đã xây dựng nghĩa trang liệt sỹ của xã, chiếu theo danh sách liệt sỹ của địa phương, xã quy tập hài cốt các liệt sỹ của địa phương về nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Mộ của liệt sỹ Nguyễn Quang Cung cũng được xây tại nghĩa trang, tuy nhiên không hề có hài cốt. Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Nguyễn Quang Cung cũng được huyện đưa về xã, nhưng vì không có thân nhân nên hiện tại vẫn đang được Hội Cựu chiến binh của xã cất giữ.

Trong Công văn số 25 ngày 20/5/2003, về việc suy tôn liệt sỹ của UBND xã La Phù, gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đã ghi rõ: “Liệt sỹ Nguyễn Quang Cung, hiện không còn ai là thân nhân chủ yếu tại địa phương và không có người thờ cúng”. Và cũng vì đã suy tôn liệt sỹ Nguyễn Quang Cung, UBND xã không công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Quang Tính và thân nhân của liệt sỹ là gia đình ông Nguyên Quang Cương.

Mặc dù tất cả các đơn xác nhận của những cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, những nhân chứng sống mà chúng tôi đã nêu trên, đều xác nhận ông Nguyễn Quang Tính trong hoạt động cách mạng có bí danh là Nguyễn Quang Cung và đề nghị cơ quan chức năng các cấp sớm xác định lại tên liệt sỹ Nguyễn Quang Tính và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình ông Cương.

Với các lẽ trên, gia đình ông Cương đã làm nhiều đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, xin phục hồi tên cho liệt sỹ Nguyễn Quang Tính, đồng thời đề nghị cho gia đình được nhận Bằng Tổ quốc ghi công của ông Tính để thờ cúng, và đưa phần mộ thực của ông Tính vào nghĩa trang liệt sỹ xã. Tuy nhiên cho đến nay, do một số nguyên nhân khác nhau, nguyện vọng chính đáng trên vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Nguyễn Quang Cương tâm sự: Gia đình chỉ có một mong muốn duy nhất là liệt sỹ Nguyễn Quang Tính, người anh trai đã hy sinh xương máu cho đấu tranh giải phóng dân tộc được công nhận liệt sỹ, gia đình được trao Bằng Tổ quốc ghi công để thờ cúng anh. Được như vậy mới thỏa vong linh liệt sỹ, và sự hy sinh của ông Nguyễn Quang Tính cũng như sự mất mát gia đình mới trở nên thực sự có ý nghĩa.

Mong muốn của gia đình ông Cương là hoàn toàn chính đáng, thiết nghĩ UBND xã La Phù kịp thời xem xét, xác minh lại sự việc, nếu có cơ sở cần sớm trả lại tên cho liệt sỹ Nguyễn Quang Tính, đồng thời trao Bằng Tổ quốc ghi công và thực hiện đúng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thân nhân liệt sỹ.

Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoài Đức cho biết: Nếu có vụ việc lẫn lộn như trên, thì nguyên nhân là do UBND xã La Phù có sai sót. Nếu xã có đề nghị và đủ tài liệu chứng minh, Phòng hoàn toàn ủng hộ và sẽ làm các thủ tục đề nghị Sở, Bộ điều chỉnh lại tên cho liệt sỹ, cũng như cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho đúng tên liệt sỹ để thân nhân thờ cúng.

S.C

Đọc thêm