Theo thông tin từ UBND tỉnh Hoà Bình, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch năm giai đoạn 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Do vậy, các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra cần phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với khả năng thực hiện, gắn với khả năng cân đối, huy động sử dụng và có hiệu quả nguồn lực tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế xã hội.
Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Hoà Bình đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Theo đó, Hoà Bình sẽ cần phải bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; cần có cơ chế lồng ghép, phân bổ nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Đáng chú ý, địa phương này nhất quán quan điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về giải pháp thực hiện, theo UBND tỉnh Hoà Bình, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, xác định tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình cấp cơ sở và bộ máy giúp việc khi có sự thay đổi về nhân sự đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, đặc biệt cần bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ có trình độ chuyên môn, tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình.
Đối với các giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh Hoà Bình sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các trung tâm xã; đường liên xã, liên xóm và kết nối các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn với nhau; đầu tư cho các tuyến đường nội đồng, đường đến các khu sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng có khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn để đồng bào có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất từng bước nâng cao đời sống.
Đồng thời tiếp tục thực hiện dự án, mô hình phát triển sản xuất cải thiện điều kiện sinh kế cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tìm kiếm, hợp tác với nhà đầu tư có năng lực để triển khai liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.