Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này.
Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói “nợ công bây giờ chưa có vấn đề nhưng rồi sẽ có vấn đề” và dư luận vẫn tiếp tục lo lắng khi nợ công tăng nhanh. Vậy theo ông, đã đến lúc cấp thiết phải xem xét toàn diện đến nợ công chưa?
- Nợ công phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án công trình trọng điểm như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cũng như phụ thuộc vào mức thanh toán nợ hàng năm. Nếu như bội chi của chúng ta tăng lên thì rõ ràng nợ công tăng, nhưng nếu chúng ta tăng chi trả nợ lớn hơn số tăng bội chi thì dư nợ công của ta lại giảm chứ không tăng. Do vậy, để xem xét mức dư nợ công thay đổi như thế nào, đúng là phải xem xét toàn diện tất cả các yếu tố tác động đến nợ công.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) |
- Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam xuất phát điểm thấp kém, tình trạng cơ sở hạ tầng hiện cũng thấp kém đã thực sự biến thành nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là chúng ta phải tập trung tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, mỗi năm khoảng từ 7-8 tỷ USD. Với số tiền đó, tôi cho rằng cân đối ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được. Và nếu đáp ứng được nhu cầu chi ấy thì bội chi sẽ bùng lên, nợ công sẽ vượt trần cho phép, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Mặc dù vậy nhưng nợ công là khoản nợ mà Nhà nước phải chi trả, nếu như nợ công tiến kịch trần vào năm 2016 mà chúng ta không có kế hoạch từ bây giờ sẽ khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia?
- Đúng vậy, nợ công là nợ ngân sách nhà nước phải chi trả. Để chi trả còn phụ thuộc vào nguồn tiền thu ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Nếu như chúng ta thu tăng, chi giảm, bội chi giảm, thậm chí thu lớn hơn chi thì ngân sách kết dư, khi đó sẽ có điều kiện, có nguồn để thanh toán nợ tốt hơn.
Hiện thực trạng nợ công của ta đang ở mức rất cao. Theo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, tính đến 31/12/2013, nợ công của Việt Nam đã lên mức 1.954.000 tỷ đồng và chiếm 54,5% GDP. Những năm gần đây, chúng tôi đánh giá, cuối năm 2015 nợ công sẽ chiếm khoảng 64% GDP. Và đến cuối năm 2016 sẽ tiến đến sát trần khoảng 65% là gần GDP và sẽ giảm sau năm 2016.
Đây là vấn đề lớn. Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia cần có giải pháp hữu hiệu, điều hành quyết liệt để kiềm chế nợ công, kiềm chế gia tăng bội chi, giữ nợ công trong ngưỡng an toàn.
Nếu tình hình như vậy, giải pháp ông đề xuất với Chính phủ là gì để giảm sức ép nợ công cho nền kinh tế?
- Để đáp ứng đòi hỏi xã hội mà vẫn giữ nợ công trong giới hạn cho phép thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thực hiện xã hội hóa đối với đầu tư công, đặc biệt là đối với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dưới nhiều hình thức như BOT.
Vừa qua, chúng ta đã thực hiện đầu tư xây dựng theo hình thức BOT thu hút lượng vốn rất lớn của xã hội, của các nhà đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng và cho phép thực hiện quyền thu phí để bảo tồn thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng ta cũng xem xét tình trạng nhượng quyền khai thác kinh doanh đối với cơ sở hạ tầng hiện có để tạo nguồn vốn trong nước, bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình hình thành hệ thống giao thông, hạ tầng một cách thuận lợi, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Cùng với giải pháp đó, ông có đồng tình với quan điểm “Việt Nam nên tính nợ của doanh nghiệp vào nợ công”?
- Nợ doanh nghiệp (DN) thì DN phải chịu trách nhiệm thanh toán. Trong các loại hình DN có DN tư nhân, DN hợp danh là phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ mà các DN đó phải chịu trách nhiệm. Đối với DN trách nhiệm hữu hạn chịu trách nhiệm trong mức vốn cho phép của DN đó. Do đó, không tính vào nợ công theo thông lệ quốc tế cũng như pháp luật của Việt Nam. Như vậy, nợ công chỉ gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Thế nhưng, trong thực tế Quỹ tích lũy trả nợ của Nhà nước hiện đang gánh nhiều món nợ của DN, nhất là DN xi măng, xây dựng…. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Quỹ tích lũy trả nợ chính là thu hồi các khoản nợ mà do Nhà nước đầu tư hoặc Nhà nước bảo lãnh từ nguồn vốn vay ngoài nước. Căn cứ vào việc Nhà nước bảo lãnh cho các DN vay vốn ngoài nước thì theo lộ trình, cam kết, các DN sử dụng vốn phải trích phần khấu hao, cũng như mức trả nợ phải nộp vào Quỹ này.
Trường hợp DN này phá sản, không bảo tồn được vốn, không trả được hết nợ đúng hạn vào Quỹ này thì rõ ràng đó là trách nhiệm của Nhà nước phải trả, bởi vì đây là khoản vay do Nhà nước bảo lãnh.
Liên quan đến nợ công là vấn đề “kỷ luật ngân sách” bởi một nguyên nhân không nhỏ khiến nợ công tăng cao là có sự lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Ông kiến nghị gì về vấn đề này khi Quốc hội đang xem xét thông qua Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tại kỳ họp này?
- Hiện việc quản lý ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, nhưng tình trạng sai phạm trong quản lý thu chi, thu chi vượt dự toán vẫn là phổ biến, nhiều khoản chi vượt hơn 2 lần. Để ngăn chặn tình trạng đó, cần thay nghị quyết về ngân sách nhà nước, về phân bổ ngân sách trung ương bằng luật thường niên để tăng cường tính pháp lý và kỷ luật kỷ cương tài chính.
Nếu băn khoăn về qui trình, thủ tục ban hành luật về ngân sách nhà nước, về phân bổ ngân sách trung ương thì có thể điều chỉnh ngay từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có thể thực hiện được. Nhưng lần này sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước vẫn giữ là nghị quyết, tôi e rằng sẽ chỉ tạo thêm áp lực cho Bộ Tài chính trước Chính phủ và Quốc hội về những vấn đề nảy sinh do kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách chưa được đảm bảo bằng văn bản đúng tầm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong các vấn đề kinh tế - xã hội, cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về tình hình nợ công tiếp tục tăng. Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 , Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra một tồn tại, thách thức của nền kinh tế là “nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao”.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại trong năm 2015 Chính phủ tập trung là quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép…
Theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Theo Báo cáo số 2289/BC-UBTCNS13 ngày 18/10/2014 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 dự kiến ở mức 31%.