Dẫn chứng từ bức tranh thực tế của nền kinh tế, xã hội, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu: Trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực như nông sản, đồ gỗ, dệt may…giảm trong bối cảnh tiền đồng lên giá so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia… Trong khi đó, các số liệu thống kê hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng nông sản mất giá, không những vậy, còn mất cả thị trường. Gạo gặp phải những đối thủ như Campuchia, Lào, Bangladesh. Thủy sản khó khăn, vải thiều chật vật tìm đầu ra…
Thực tế đáng buồn đó khiến ĐB đặt câu hỏi: “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì?". ĐB chất vấn: "Bộ NN&PTNT, Công thương… có ai có thể trả lời QH một bản kế hoạch đưa gạo hay nông sản Việt Nam vào Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hàn Quốc đã ký kết hay sắp tới là các thị trường khác thế nào? Ngay lúc này, các bộ có thể đưa ra một bản kế hoạch về nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu Việt theo một lộ trình mở cửa 1-2 năm tới? Tôi hy vọng và mong không nhận được câu trả lời 'đang xây dựng'".
“Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng hỏi: "Vì sao tiêu thụ nông sản ế ẩm đến vậy, sản xuất nhiều nhưng khó thị trường tiêu thụ. Lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, rồi đến dưa hấu. Cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hàng xuất khẩu, hợp tác mạnh mẽ với những nước có công nghệ cao như Nhật, Isarel.
ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn nêu ra những khó khăn trên để Quốc hội phân tích, mổ xẻ. Bởi theo cá nhân ông, để tình trạng này kéo dài nhiều năm, sẽ rất đau lòng.
Trong Nghị trường, ĐB Đỗ Văn Đương đã đặt một câu hỏi khiến nhiều người phải suy nghĩ: "Tại sao Israel mưa ít nắng nhiều mà họ biến hoang mạc thành cánh đồng tươi tốt, trong khi nước ta nắng nhiều mưa nhiều mà hạn hán nghiêm trọng. Đau lòng khi đồng bào Trung Bộ Tây Nguyên đồng khô cỏ cháy, gia súc chết dần chết mòn. Liên quan gì phá rừng, làm thủy điện hay không, hay do biến đổi khí hậu. Giải pháp là xây thêm hồ chứa nước hay thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, lộ trình thế nào?" - ĐB đặt hàng loạt câu hỏi.
Bối cảnh trước mặt đang đặt ra cơ hội cho Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, tuy nhiên ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) lại lo lắng bởi lĩnh vực gặp khó khăn nhất chắc chắn vẫn là nông nghiệp. Cũng như ĐB Hà Sỹ Đồng, ĐB Phúc thấy rằng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy. Cần phải xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá.
Cùng chung nỗi niềm, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh( Đắk Nông) phát biểu: "Hiện nay tính tự phát của phát triển nông nghiệp và hậu quả người nông dân phải gánh chịu. Nói là cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp thì hơi quá nhưng rõ ràng đã đến lúc cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn".
Trước QH, bà đề nghị Chính phủ cần đưa ra những giải pháp cụ thể vì “nói chung chung đã quá nhiều rồi.”
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014, dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa có cải thiện nhiều. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh.
Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…