Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage
Nghị định 38/2020 có hiệu lực ngày 20/5 quy định 7 công việc người lao động Việt Nam không được làm việc ở nước ngoài. Trong đó có những công việc như: Massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); làm việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột có độc tính mạnh...
Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước
Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 10/05/2020. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Có hiệu lực từ ngày 20/05/2020, Nghị định 38/2020/NĐ-CP ban hành ngày ngày 03/04/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Quy định mới về xác định thị trường liên quan và thị phần
Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2020, Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/03/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.
Về xác định thị trường liên quan, Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.