Chặn nguy cơ lợi dụng chính sách
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu nhất trí đánh giá, dự thảo Nghị quyết đã đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận với đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các chính sách được đề cập rất toàn diện và vượt trội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đánh giá cao cách tiếp cận cởi mở, thực tiễn của dự thảo Nghị quyết; đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Góp ý về một số nội dung cụ thể, về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, Đại biểu nhất trí với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh. Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) |
Tuy nhiên, Đại biểu cảnh báo, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma” lợi dụng. “Thực tế cho thấy, đã có nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Đáng chú ý, có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp “ma” xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng”, Đại biểu cho biết.
Từ thực tế này, Đại biểu đề nghị, để triển khai hiệu quả Nghị quyết, Chính phủ cần quy định bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm, đó là “liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và chế tài đủ sức răn đe”. Bên cạnh đó, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.
Khắc phục cho được tình trạng chậm gửi hồ sơ văn bản quy phạm pháp luật
Chiều cùng ngày, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) thể hiện sự đồng tình cao với dự thảo Luật. “Đây là một trong những dự án Luật vừa mới được thông qua tại Kỳ họp bất thường trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện việc sắp xếp tinh giản bộ máy hành chính và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, việc sửa đổi, bổ sung Luật đợt này cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay”, Đại biểu nói.
|
Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: PV) |
Về một số nội dung cụ thể, Đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ băn khoăn về quy định “UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của QH giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp” tại dự thảo Luật. “UBND cấp xã chúng ta hiểu là đơn vị cuối cùng, nhỏ nhất. Do đó, UBND cấp xã chỉ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của QH giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Vậy, các nhiệm vụ, quyền hạn do cấp trên phân, nếu UBND cấp xã lại phân cấp tiếp, sẽ không biết phân cho đơn vị nào, hay một đơn vị trung gian nào để thực hiện quyền phân cấp”, Đại biểu chỉ rõ.
Vì vậy, Đại biểu đề nghị rà soát lại nội dung này và quy định trong dự thảo Luật theo hướng UBND cấp xã sẽ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của QH giao và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được phân cấp.
Trăn trở về tình trạng chậm gửi hồ sơ các VBQPPL, Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) chỉ rõ, theo luật định, thời gian phục vụ cho công tác chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình các VBQPPL ở cả cấp Trung ương và địa phương là rất nhiều, không hề bị động. “Thế nhưng, trong thực tế, tình trạng cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chậm gửi hồ sơ đến các cơ quan thẩm định, thẩm tra, cơ quan cho ý kiến cuối cùng và chậm gửi hồ sơ, tài liệu đến đại biểu QH, đại biểu HĐND trước các kỳ họp vẫn thường xuyên xảy ra”, Đại biểu chỉ rõ.
Nêu thực tế nhiều trường hợp hồ sơ dự án luật, nghị quyết và báo cáo thẩm tra chỉ được gửi đến đại biểu QH, đại biểu HĐND trước 1 đến 2 ngày so với thời gian thảo luận, góp ý xây dựng luật, nghị quyết trong các kỳ họp, Đại biểu khẳng định, tình trạng này đã gây khó khăn cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra; làm hạn chế chất lượng và số lượng ý kiến tham gia xây dựng luật, từ đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng VBQPPL sau khi ban hành.
Do đó, Đại biểu cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là yêu cầu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất thiết phải bổ sung chế tài để kiên quyết khắc phục cho được tình trạng nêu trên.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) chỉ ra rằng, hiện nay, trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy, phát sinh một số nội dung không thực hiện theo Luật mà thực hiện theo nghị quyết của QH. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều, khoản quy định “Trong quá trình thực hiện sắp xếp bộ máy, các nội dung Nghị quyết của QH điều chỉnh thì thực hiện theo Nghị quyết của QH”.