Cơ hội từ chính sách
Nghị quyết số 127/NQ-CP được ban hành ngày 14/8/2023 đã mở đường cho việc áp dụng thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Trước đó, visa điện tử được nước ta áp dụng đối với 80 quốc gia. Theo chính sách visa hiện hành, thời hạn thị thực điện tử đã được nâng lên 90 ngày, xuất - nhập cảnh không giới hạn số lần, thời hạn tạm trú cho công dân các nước được đơn phương miễn thị thực cũng tăng lên 45 ngày. Chính phủ cũng quy định tăng thêm số lượng cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử lên tổng số 42 cửa khẩu.
Nhờ chính sách visa thông thoáng hơn, ngành Du lịch có nhiều khả năng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, thậm chí còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm. Đến nay, ngành Du lịch đang “nóng lòng” chờ đợi lộ trình áp dụng chính sách mới và các hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan chức năng.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản mới nhằm triển khai cụ thể chính sách thị thực mới, cũng như kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Bộ VH,TT&DL cũng đã ban hành kế hoạch chiến lược maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển một số mô hình du lịch đêm, trong đó có việc định hướng cho các địa phương và các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch và các dịch vụ khác nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch sau khi có chính sách thị thực mới.
Tận dụng “cú hích” chính sách, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đang “gấp rút” xây dựng và giới thiệu những sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt những tour dài ngày với nhiều trải nghiệm phong phú, đa dạng hơn cho khách quốc tế, đáp ứng dòng khách có khả năng chi trả cao. Công ty Vietravel đã và đang xây dựng thêm các chương trình tour du lịch dài ngày với hành trình xuyên Việt và các quốc gia trong khu vực (ba nước Đông Dương gồm Việt Nam - Lào - Campuchia).
Thêm vào đó là các chương trình tour dành cho khách nước ngoài đến để nghiên cứu kinh doanh và đầu tư. Công ty Lữ hành Vietluxtour đã có kế hoạch đa dạng hoá các tuyến xuyên Việt kéo dài từ 15 - 20 ngày hoặc dài hơn, tập trung sâu hơn vào đặc trưng văn hoá, ẩm thực và sự độc đáo của điểm đến.
Cùng với đó, các kỳ nghỉ dưỡng biển thì có thể kéo dài từ 1 - 2 tháng. Công ty Du lịch Travelogy hiện đang chuẩn bị các chương trình kéo dài thời gian lưu trú của du khách quốc tế tại Việt Nam trong các tour khám phá các nước Đông Nam Á. Công ty Golden Smile Travel dự kiến điều chỉnh thời gian các tour từ 20 ngày lên 25 - 30 ngày, bổ sung nhiều sản phẩm du lịch địa phương, du lịch cộng đồng, khám phá văn hóa…
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá, chính sách thị thực “nới lỏng” hứa hẹn sẽ tạo động lực thu hút các thị trường khách từ châu Âu, châu Úc hay Mỹ. Đây là những nhóm du khách thường có xu hướng lựa chọn du lịch dài hơn 20 ngày, trở đi trở lại giữa nhiều điểm đến và có khả năng chi trả cao.
Không chỉ đem lại sự thoải mái hơn cho du khách trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh, các quy định mới giúp du khách quốc tế dễ dàng lên kế hoạch du lịch linh hoạt và tiết kiệm hơn. Đơn cử, trong thời hạn thị thực lên đến 90 ngày, du khách có thể lựa chọn các lịch trình hợp lý, phù hợp với nhu cầu, tránh các thời điểm có giá dịch vụ quá cao hoặc quá đông. Điều này hợp lý bởi mục đích du lịch của du khách rất đa dạng, bao gồm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, lưu trú, công vụ, hội họp, thăm thân, trải nghiệm xuyên Việt,…, với ngân sách du lịch cao thấp khác nhau. Chính sách này cũng giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc của các công ty lữ hành trong việc thu hút khách quốc tế từ trước đến nay.
Động lực để “chuyển mình”
Để thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh của du lịch Việt Nam, bên cạnh việc cấp visa thông thoáng, điều quan trọng hơn hết là phải tăng cường số lượng và chất lượng các tour tuyến, sản phẩm du lịch, lữ hành và khu, điểm du lịch, trung tâm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Dù khách được tạo điều kiện lưu trú dài hạn hơn trước, nhưng điều “níu chân” họ chính là ăn gì, chơi gì, thưởng thức gì mà không chán tại điểm đến. Đây cũng là một trong những “lỗ hổng” lớn của du lịch Việt hiện tại.
Cần đổi mới, đa dạng sản phẩm cho các chuyến đi dài ngày. (Nguồn: Asia tour). |
Theo một khảo sát năm 2018 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56 - 60%). Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7 - 10% tổng chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40 - 50%, thậm chí 70%.
Tại thị trường nội địa, các tour dài ngày cạnh tranh trực tiếp có thể kể tới các sản phẩm du lịch ra nước ngoài (outbound) đến châu Âu, Mỹ, thường kéo dài trung bình 2 tuần. Những tour này có giá cả khá đắt đỏ, lên tới cả trăm triệu đồng/người, kèm theo thủ tục xin cấp thị thực khó khăn với nhiều du khách Việt Nam. Dù vậy, rất nhiều người Việt, nhất là những người có thu nhập cao, đều có thể sẵn sàng chi trả cho những tour như vậy khi họ có điều kiện.
Khi tìm hiểu sự hấp dẫn của những tour outbound dài ngày, đắt tiền như vậy đến từ đâu, nhiều du khách không ngần ngại chia sẻ: Đó chính là sự hấp dẫn của điểm đến, bao gồm chất lượng phục vụ, cảnh quan, độc đáo văn hoá, môi trường, trải nghiệm… Họ cho rằng những điểm đến tại châu Âu, Mỹ sẽ đạt được, thậm chí vượt xa kỳ vọng của họ với số tiền và thời gian bỏ ra.
Đây có thể là bài học kinh nghiệm rất quan trọng đối với việc xây dựng các tour dài ngày tại Việt Nam, đặc biệt về việc đáp ứng kỳ vọng của những du khách dài ngày và quay lại nhiều lần. Thay vì tư duy phục vụ du lịch tại một hoặc một số điểm đến, ngành Du lịch cần những đổi mới trong tư duy du lịch liên vùng, liên quốc gia để có thể cung cấp những trải nghiệm sâu sắc, khác biệt hơn trong một chuyến đi dài ngày.
Mặt khác, đây không chỉ là “sân chơi” của các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương cũng có thể tranh thủ lợi thế của chính sách visa mới để thu hút khách du lịch. Theo đó, chính quyền địa phương, với vai trò là cơ quan quản lý, có thể hướng dẫn doanh nghiệp tập trung xây dựng sản phẩm, tạo điều kiện kết nối các khu, điểm du lịch lại với nhau.
Sự bắt tay, kết nối giữa tất cả các bên là điều kiện quan trọng để xây dựng một hệ thống phục vụ du lịch chất lượng, đồng bộ, đa dạng, ưu đãi tốt, tận dụng lợi thế của từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng điểm đến trong mắt du khách quốc tế. Ngoài ra, để bảo đảm trải nghiệm liền mạch của du khách, sự hợp tác trong việc tiếp thị điểm đến, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tổ chức các chương trình đào tạo và sáng kiến nâng cao năng lực cho các nhân lực, chuyên gia du lịch cũng là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, việc mở rộng các thị trường mới để thu hút khách quốc tế là điều cần thiết. Các thị trường mới nổi có tiềm năng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia châu Phi và châu Mỹ Latinh là những thị trường hứa hẹn thu hút số lượng du khách gia tăng.
Vừa qua, Ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã chỉ đạo các chi nhánh trong và ngoài nước đẩy mạnh truyền thông rộng rãi về chính sách thị thực mới của Việt Nam, trong đó có việc cập nhật điều này trong các hội thảo, hội chợ tại các thị trường để các đối tác, công ty du lịch nắm bắt cơ hội và mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tập trung xây dựng những sản phẩm tour phù hợp với khách quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm như Pháp, Mỹ, Ausralia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.