Chính thức hình thành Mạng lưới chuyển đổi số toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với Quyết định số 1690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên hình thành Mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở, gồm cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh minh họa: Báo Kinh tế đô thị)
Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh minh họa: Báo Kinh tế đô thị)

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số (CĐS) từ Trung ương (TW) đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Bộ TT&TT, với Đề án, lần đầu tiên hình thành Mạng lưới CĐS từ TW đến cơ sở, gồm cấp TW, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Tổ Công nghệ số cộng đồng. Cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường biên chế từ nguồn biên chế hiện có cho CĐS, để thực hiện các nhiệm vụ mới về CĐS. Cấp xã phân công, bố trí cán bộ đầu mối. Tổ Công nghệ số cộng đồng trở thành khái niệm được công nhận chính thức sau 2 năm thí điểm triển khai. Bộ TT&TT (Cục CĐS quốc gia) là cơ quan điều phối chung hoạt động Mạng lưới CĐS.

Đồng thời, Đề án này lần đầu tiên quy định việc xây dựng, phát triển, phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS. Quan trọng nữa là nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án được ngân sách nhà nước bảo đảm.

Đặc biệt, chi cho hoạt động điều phối Mạng lưới, kinh phí vận hành, duy trì các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc được bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số và các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS.

Đề án xác định rõ 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó có mục tiêu 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, TP trực thuộc TW kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về CĐS.

Định hướng đến năm 2030, Đề án xác định Mạng lưới CĐS được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CĐS quốc gia; đồng thời, 100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ CĐS từ TW đến địa phương hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đã phân tích, đề xuất thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Bộ TT&TT được giao chủ trì, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác được giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai Đề án.

Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS từ TW đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đơn vị chuyên trách về CNTT, CĐS ở TW và địa phương, khẳng định tính chính thống của đơn vị chuyên trách về CNTT, CĐS trong việc điều phối toàn bộ mạng lưới CĐS rộng khắp đến tận cơ sở.

Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công cuộc CĐS quốc gia, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đọc thêm