Phải được đào tạo chính quy
Xây dựng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) hiện đại, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu; Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp là mục tiêu ngay sau khi Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận lãnh nhiệm vụ cao nhất của lực lượng này.
Bởi theo ông Linh, hoạt động của lực lượng QLTT rất đặc thù, khác hẳn với các lực lượng chức năng khác khi phải đối mặt với mặt trái của nền kinh tế thị trường. Cụ thể, lực lượng này phải đi tìm cái sai của các tổ chức, cá nhân, không thể “ngồi chờ” có sự vụ mới vào việc; Phải xử phạt vi phạm với phạm vi liên quan đến gần 30 điều luật chồng chéo đan xen nhau; Phải làm cả việc ngoài chuyên môn; Phương tiện làm việc đơn giản, thiếu thốn và lạc hậu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã từng ví “làm sao bắt được đối tượng vi phạm khi chỉ có thể “ngửi khói” đối tượng” khi nói về trang thiết bị thiếu và yếu của lực lượng QLTT.
Bên cạnh đó, hơn 60 năm thành lập, lực lượng này chỉ đào tạo theo kiểu người đi trước truyền đạt lại cho người đi sau và tự học hỏi trong quá trình công tác. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một kiểm soát viên thị trường thì đòi hỏi rất cao về nghiệp vụ điều tra, xây dựng cơ sở - mạng lưới thông tin, biến mỗi người dân thành một nguồn tin báo chính xác. Quan trọng nữa là việc phải tự bảo vệ được mình khi gặp đối tượng manh động, bất chấp (việc lái xe đâm thẳng vào lực lượng QLTT khi bị ra hiệu kiểm tra đã từng xảy ra...)
Ngoài ra, hiện nay, hoạt động thị trường cũng đã có nhiều thay đổi, thay vì bán hàng tại các cửa hàng truyền thống thì người ta… đưa hết lên mạng ảo để mời chào mua bán. Chỉ cần một căn nhà 30m2, nằm ngoắt ngoéo trong một con ngõ nhỏ, sâu là hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa giả mạo, nhập lậu được tuồn ra thị trường một cách công khai (thông qua các công ty chuyển phát nhanh). Sự thay đổi của phương thức bán hàng càng làm cho nhiệm vụ của lực lượng QLTT trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Sẽ tuyển sinh trong năm 2021
Nhận diện được những thách thức và cả sự thiếu hụt lực lượng khi chỉ riêng Cục QLTT Hà Nội sẽ có khoảng 200 cán bộ, kiểm soát viên về hưu trong 2-3 năm tới, Tổng cục QLTT đã xúc tiến mạnh mẽ công tác đào tạo lực lượng QLTT chính quy. Đây được xác định là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ.
Sau hơn 2 năm “thai nghén”, khóa đầu tiên đào tạo chính quy lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chính thức được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) thông báo tuyển sinh. Theo đó, năm đầu tiên ngành Kinh doanh thương mại (thuộc Viện Đào tạo tiên tiến và Chất lượng cao và POHE) sẽ tuyển sinh 50 chỉ tiêu sinh viên để đào tạo chuyên sâu QLTT.
Theo đại diện nhà trường, chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực QLTT có sự khác biệt với các chương trình đào tạo truyền thống, bởi, đây là chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương). Song song với các kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên sẽ được thực tập, trau dồi các kiến thức thực tế tại Tổng cục QLTT và Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục.
Kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng trong các chương trình học cũng được thiết kế tương đương chương trình đào tạo chứng chỉ Kiểm soát viên thị trường của Bộ Công Thương. Đặc biệt, có sự tham gia giảng dạy và hướng dẫn của cán bộ Tổng cục QLTT cũng như các giảng viên dày dặn kinh nghiệm của Viện Kinh tế quốc tế cũng như của NEU.
TS Vũ Văn Ngọc, Viện trưởng Viện Đào tạo tiên tiến và Chất lượng cao và POHE khẳng định, cử nhân QLTT sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ QLTT; Nghiệp vụ chống buôn lậu, hàng giả, quản lý an toàn trong kinh doanh thực phẩm, thuốc...; Kiến thức về nghiệp vụ Hải quan và dịch vụ Hải quan, Thanh tra, kiểm tra, xuất xứ hàng hóa;
Ngoài ra, các kiến thức chuyên sâu về pháp luật thương mại nói chung và pháp luật liên quan đến QLTT nói riêng, kiến thức chuyên sâu về kinh tế thương mại; Thương mại quốc tế, Hải quan, Kinh doanh thương mại dịch vụ và hoạt động thương mại ở các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng sẽ được truyền đạt kỹ càng. Ngoài ra, theo đề xuất, học chuyên ngành sâu này, sinh viên sẽ được chuyển học môn giáo dục thể chất thành bộ môn võ.