Cho các đối tượng chính sách vay vốn đi LĐNN: Thay đổi cuộc sống, thay đổi nhận thức

(PLO) - Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được NHCSXH thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đất nước, nâng cao chất lượng lao động, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ vườn xoài Cao Lãnh làm việc trên đất nước hoa anh đào

Đó là câu chuyện của chàng cựu sinh viên chuyên ngành điện tử (ĐH Cần Thơ) Lê Nhật Trường. Bà Lê Kim Kha – mẹ của Trường – kể về thành quả mà con trai gặt hái được sau hai năm lao động tại Nhật Bản: “Với mức thu nhập 34 - 38 triệu đồng, mỗi tháng Trường gửi về 25 triệu đồng. Sau 2 năm, tôi dùng số tiền đó mua được 3 công đất tại TP Cao Lãnh để trồng xoài. Vậy là Trường làm chủ vườn xoài tại quê hương xoài Cao Lãnh ngay khi còn làm việc trên đất nước hoa anh đào”.

Trường hợp của Lê Thanh Đủ cũng vậy, sau 3 năm làm việc tại Nhật, Đủ tích lũy được 800 triệu đồng và bằng tiếng Nhật N3. Về nước, em được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp mời dạy tiếng Nhật với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Số tiền tích lũy đi làm ở Nhật, Đủ còn dành một phần xây nhà trọ cho thuê.

Câu chuyện của Trường và Đủ đã trở thành hình mẫu và niềm mơ ước của nhiều thanh niên cùng trang lứa và gia đình của họ. Bởi thế, nhiều gia đình nghèo, cận nghèo ở Đồng Tháp Mười đã lựa chọn xuất khẩu lao động (XKLĐ) làm con đường lập thân, lập nghiệp cho con em. Ông Võ Phước Long (ấp 6A, xã Trường Xuân, huyện Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp) kể, gia đình ông là hộ cận nghèo. Năm 2015, khi được NHCSXH huyện Đồng Tháp Mười động viên, cho vay vốn theo chương trình cho vay XKLĐ, ông Long đã mạnh dạn vay 84 triệu đồng cho con trai Võ Văn Thông đi làm chế biến gỗ ở Nhật. “Đến nay, ngoài số tiền hơn 200 triệu đồng mà Thông gửi về trang trải cho các em ăn học, thì còn gửi trả nợ cho NHCSXH 72 triệu đồng. Giờ chúng tôi tích lũy để xây lại căn nhà kiên cố hơn, để hơn một năm cả gia đình sẽ đón Thông về trong căn nhà mới” – ông Long cho hay.

Hàng ngàn tỷ đồng “đổi đời” hàng vạn gia đình

Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được NHCSXH thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đất nước, nâng cao chất lượng lao động, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua 15 năm triển khai, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 2.828 tỷ đồng, với 112 ngàn người lao động được vay vốn tạo việc làm. Doanh số thu nợ đạt gần 2.288 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 528 tỷ đồng.

Đến 30/9/2017, nợ quá hạn của chương trình là 21,87 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,14% so với tổng dư nợ của toàn chương trình. Số nợ quá hạn này chủ yếu là do đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài thuộc chương trình tín dụng này là hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn nằm ở một số vùng sâu vùng xa, đi lại rất khó khăn, do đó ý thức về công việc chưa cao, ý thức lao động, kỹ năng làm việc chưa đáp ứng được công việc, bên cạnh đó tác tuyên truyền cho chương trình này còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Trong khi đó, vẫn còn một số nhỏ các DN tuyển dụng lao động đào tạo không bài bản, thiếu thông tin yêu cầu của chủ sử dụng nên đào tạo chưa sát với yêu cầu của chủ sử dụng,… nên người lao động không đáp ứng được công việc. Các DN tuyển dụng bị thu hồi giấy phép hoạt động, giải thể, hoặc sáp nhập cũng  phần nào gây khó khăn cho người lao động khi muốn thanh lý hợp đồng lao động. Đồng thời, việc quản lý thu nhập của người lao động còn nhiều hạn chế, khó khăn do bên tuyển dụng người lao động hoặc đối tác sử dụng người lao động trả lương, thu nhập trực tiếp cho người lao động ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của NHCSXH. 

Để chương trình thêm bền vững, phát huy được hiệu quả và có tác động xã hội, NHCSXH đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế xử lý rủi ro cho các hộ vay đi lao động phải về nước trước hạn do chất lượng tuyển dụng không đảm bảo không đủ sức khỏe hoặc tay nghề không đáp ứng yêu cầu công việc của chủ sử dụng lao động ở nước ngoài nên phải về nước trước hạn. 

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phối hợp với NHCSXH xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại liên quan giữa DN và người lao động vay vốn NHCSXH. DN tuyển dụng tăng cường công tác quản lý và bảo vệ lợi ích người lao động. Còn chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tăng thêm nguồn vốn từ nguồn tiết kiệm chi tăng thu ngân sách hàng năm để chuyển sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn tại nước ngoài vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương. 

Đọc thêm