Không khí từ vốn nội
Phiên khai xuân sáng 6/2 của thị trường chứng khoán diễn ra lình xình, khi giá giảm hàng loạt và khối ngoại giảm mua. Nhờ dòng tiền “lấy may” từ nhà đầu tư trong nước mà thị trường đã có phiên được coi là khá suôn sẻ, dù cho đến tận lúc chốt phiên sáng, VN-Index vẫn đang giảm 0,15%.
Phiên khai xuân trên Sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chứng kiến sự “thờ ơ”, có ý thăm dò của các nhà đầu tư ngoại. Khối này chỉ quan tâm rõ ràng ở các mã GMD và KDC, trong đó KDC được khối ngoại mua vào gần như toàn bộ số lượng được đưa ra giao dịch trong buổi sáng.
Không khí thay đổi khi các nhà đầu tư nội “ra tay” trong nửa phiên sau của buổi sáng, khi nguồn lực này đẩy giá SSI từ mức giảm 1,7% dưới tham chiếu vọt tăng 2,17% trên tham chiếu, quy mô giao dịch từ chỗ rất kém nhảy vọt lên dẫn đầu thị trường, đạt trên 42,8 tỷ đồng.
Giao dịch trên sàn Hà Nội (HNX) tích cực hơn với không khí phấn khởi đầu năm lan đều ở nhiều mã cổ phiếu, từ PVS đến VCG, BVS, KLS, SCR… Quy mô giao dịch của HNX sáng nay cũng khá lớn, đạt 173,7 tỷ đồng, tăng 30% so với phiên trước.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Mai Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị tham gia phiên sáng nay với ý đồ “lấy may”, “bán một chút lấy may và mua một chút lấy may”. Đây cũng là tâm lý của nhiều nhà đầu tư nội khác. Tuy nhiên, thị trường diễn biến thận trọng hơn so với tâm lý háo hức của nhiều nhà đầu tư, nhất là sau diễn biến tốt đẹp của những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết.
“Sức hút” PVX
Trong phiên giao dịch này, mã cổ phiếu PVX thực sự trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý trên sàn Hà Nội khi cuối phiên sáng cổ phiếu này có dư mua trần hơn 10 triệu cổ phiếu.
“Điều kỳ diệu” này được tạo nên từ một “điều kỳ diệu” khác. Số là, trước đó Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố quyết định đưa cổ phiếu PVX ra khỏi diện kiểm soát chuyển sang diện cảnh báo từ ngày 07/02/2014 do lỗ năm 2011. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này đã công bố phát hiện việc nhầm lẫn/sai sót và đính chính năm 2011 là lãi hơn 590 triệu đồng chứ không phải lỗ đã giúp cổ đông, nhà đầu tư nhẹ hẳn gánh lo PVX sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Câu chuyện của PVX cho thấy một khía cạnh rất “nhạy cảm” trong luồng vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Được biết đến như một doanh nghiệp tiên phong ngành xây lắp dầu khí, báo cáo đánh giá của các công ty chứng khoán luôn thể hiện vị thế đứng đầu của PVX có được một phần nhờ chiếm lĩnh hoàn toàn mảng dịch vụ xây lắp trong ngành dầu khí, thế nhưng những thông tin thua lỗ của PVX đã khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ nặng nề.
Số là, tháng 2/2013, báo cáo kiểm toán thể hiện năm 2011 doanh nghiệp lỗ thay vì mức lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là 196 tỷ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Deloite, sau đó được PVX thuyết minh những hạng mục phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh này kéo theo hệ quả là cổ phiếu PVX bị đưa vào diện bị kiểm soát do 2 năm liên tiếp lỗ. Điều đó khiến cổ phiếu PVX rơi thảm, nhà đầu tư bán tống bán tháo khi cổ phiếu bị giảm sàn. Ngày 4/4/2013, sau khi nhận “án” bị đưa vào diện kiểm soát, PVX mất ngay hàng trăm tỷ đồng vốn hóa cổ phiếu, sau đó là chuỗi ngày giảm giá liên tục, từ trên dưới 5.500 đồng/CP có lúc còn 2.200 đồng/CP...
Sau gần một năm ròng kể từ khi câu chuyện lãi, lỗ năm 2011 được đưa ra, ngày 27/1/2014 ngay trước đợt nghỉ tết Giáp Ngọ dài ngày, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố quyết định đưa cổ phiếu PVX ra khỏi diện kiểm soát chuyển sang diện cảnh báo từ ngày 07/02/2014, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2011 là số dương, hay nói cách khác là có lãi. Kết quả này có được là do trong quá trình làm việc và rà soát số liệu tài chính, PVX đã phát hiện có sự nhầm lẫn/sai sót về mặt kỹ thuật hợp nhất trên báo cáo tài chính hợp nhất đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện cho năm 2011.
“Kết quả giao dịch phiên khai xuân của PVX vẫn chỉ là ảnh hưởng của thông tin thoát khỏi án hủy niêm yết – ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia kinh tế độc lập nhận định – Khó dự đoán được thông tin đó sẽ đẩy giá PVX lên đến đâu vì lúc này dòng tiền đang đầu cơ quá mạnh”.