Cho con hưởng thụ sớm, sai lầm “chết người” của cha mẹ

 Một nhà xã hội học (xin giấu tên) đưa ra lời khuyên: Có tiền thì nên đưa vào đầu con vì ít nhất còn được hai, ba đời, chứ đưa vào tay con thì không chắc được đời của nó.
Một nhà xã hội học (xin giấu tên) đưa ra lời khuyên: Có tiền thì nên đưa vào đầu con vì ít nhất còn được hai, ba đời, chứ đưa vào tay con thì không chắc được đời của nó.

Tự quay phim, chụp ảnh cảnh “nóng” - một vấn nạn đang được nhiều người trẻ coi là “mốt”

Sợ con bỏ học mà mua di động

Chị Thái Hằng - chuyên gia tâm lý chuyên tư vấn mục hôn nhân gia đình của một tờ báo phụ nữ kể, một lần chị tư vấn cho một phụ nữ làm nghề kinh doanh bất động sản rất giàu có. Chị có cậu con trai tên Tý, mới lên 17 tuổi đã cao 1m74, nặng 63 kg.

Tý học ở một trường dân lập nằm giữa trung tâm Hà Nội, nơi có khá nhiều con nhà khá giả học chung lớp. Nhiều lần mẹ Tý đã tỏ ra rất ngạc nhiên về cậu con trai của mình, hễ cứ ngồi gần là bàn luận chuyện dùng máy điện thoại di động của mấy cô cậu trong lớp.

“Lớp con chúng nó toàn dùng máy “oách”, có đứa còn đổi mốt thường xuyên. Máy của chúng trông còn ngon hơn mấy cái di động của thầy dạy toán, và cả cô dạy sử nữa. Có thầy dùng cái máy như cục gạch ấy, trông buồn cười lắm. Cô dạy tiếng Pháp lớp con ăn mặc thì trông sành điệu lắm, nhưng cái di động lại rất củ chuối, nó cũ đến mức đem bán, con cá chưa được một trăm ngàn (đồng)”, Tý kể với mẹ.

Mẹ Tý ra vẻ không muốn nghe, vì nghĩ con mình đang “cà khịa”. Chị nói bâng quơ: “Đang học sinh mà dùng di động, thì lấy đâu ra tiền mà trả cho đủ?”. Nói gần nói xa, mẹ Tý vẫn không chịu... hiểu. Tới một ngày, Tý dọa sẽ nghỉ học nếu mẹ không mua chiếc điện thoại D500. Do không muốn con mình bỏ học, mẹ cậu đã cuống lên nhờ người đi mua chiếc điện thoại nắp trượt ấy cho con, để rồi một thời gian không lâu sau đó bà phải chịu thêm một thỏa hiệp với  “yêu sách” mới, đó là đổi “con Wave” lấy chiếc Honda Dylan. Chưa kể, trang phục Tý mặc nhìn qua có vẻ đơn giản với áo thu hiệu Polo, quần Jean hiệu Levis, đôi giày hiệu Nike, nhưng tính ra cũng cỡ tiền triệu khoác trên người.

Một ngày không xa sau đó, do có nhiều mối nghi ngờ con, mẹ Tý nhờ thằng cháu bên ngoại lần dò trộm máy của con thì phát hoảng khi phát hiện trong máy lưu những tấm hình nuy tải từ internet, và cảnh quay “nóng” cậu đang ôm hôn rất sành điệu cô bạn gái. Khi trao đổi với chuyên viên tư vấn, được hỏi mục đích mua chiếc điện thoại cho con là gì, chị đã không trả lời nổi. Chị chỉ biết nhắc lại câu chuyện “di động” của con kể ở lớp và bị con dọa bỏ học.

Mí là con gái của bà chủ một cửa hàng buôn bán rượu ngoại. Chồng bà làm ăn bên Tiệp, mỗi năm chỉ về thăm hai mẹ con Mí một lần. Nhà chỉ còn hai mẹ con ở, do Mí là con một, nên bà chiều con hết mực. Khi mới học lên lớp mười, bà mẹ đã sắm cho Mí chiếc điện thoại cầm tay gần năm triệu đồng. Lên lớp 11, Mí được mẹ sắm cho chiếc xe máy SH, nên cứ tan học cô lại đến nơi gửi xe ngoài cổng trường phóng xe tung tăng trên phố, mà có hôm chẳng biết phóng đi đâu, cứ thế lượn hết phố này qua phố nọ chán rồi về.

Có thể nói, Mí gần như thuộc lòng những chốn ăn chơi nổi tiếng đất Hà thành. Lẽ ra năm nay Mí đã bước sang năm học cuối cấp ba, nhưng do thời gian đi học của Mí gần như tỷ lệ nghịch với thời gian giải trí, chơi bời và những cuộc vui mà cô bị đúp, vẫn tiếp tục là cô học trò lớp 11. Mẹ Mí cho tới một hôm tá hoả hay tin con gái cưng của mình bị bắt khi đang “bay” cùng nhóm bạn trong một nhà nghỉ thì mới thật sự biết được con gái rượu của mình đã sa đọa như thế nào. Gặp chuyên gia tư vấn, bà mẹ của Mí giọng rất buồn, nói: “Cũng biết sự nuông chiều và tiền bạc khiến cho con mình hư. Nhưng quả thật, tôi cũng không biết phải làm sao nữa. Bây giờ tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu?”.  

Con nhà giàu vì đâu mà khổ?

Chị Cẩm Tú - chuyên gia tư vấn của đường dây 1900585868 nói, cũng như con nhà nghèo, con nhà giàu cũng có người này, người kia. Có em sống có nề nếp, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, do được bố mẹ giáo dục đến nơi đến chốn. Có em bản thân không hư, nhưng bố mẹ mãi lo làm ăn, ít sâu sát nên con chơi với bạn xấu mà hư. Có em do gia đình quá giàu mà không nghĩ đến chuyện học hành nữa, chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ. Rồi do được bố mẹ cho nhiều tiền, lại nhàn rỗi mà bất thiện...

Ông Nguyễn An Chất - chuyên gia t­ư vấn tâm lý gia đình của đường dây 1900.58.58.86, cho rằng, nét chung của một số con nhà giàu là được bố mẹ quan tâm cung cấp đầy đủ về vật chất. Sai lầm của một số ông bố, bà mẹ là không muốn con mình vất vả. Tất nhiên, có của là để cho con, nhưng xét về góc độ giàu, một gia đình giàu bằng chính sức lực lao động, trí tuệ của mình thường sẽ có cách giáo dục con bằng việc phải lao động, biết chịu khổ, biết tiết kiệm, biết thương yêu người khác, không có thói ỷ lại... như thế mới mong con trưởng thành.

Còn giàu từ “trên trời rơi xuống”, như nhà ở ngoại thành bỗng giàu từ cơn sốt đất chẳng hạn, có "tý của", cứ nghĩ đời mình đã quá khổ rồi thì nay cho con nó sướng. Vậy là đáp ứng nhu cầu vật chất đầy đủ, đứa con từ khổ bỗng nhiên nay được ăn sung, mặc sướng rất có thể chỉ lao vào ăn chơi, quên cả học hành... Còn giàu từ “trên trời rơi xuống”, mà không ai rõ tiền ở đâu mà họ giàu, thì thường các “cậu ấm”, “cô chiêu” cần gì, chiều nấy, mà bố mẹ lại ít để ý mục đích của con. Việc học cũng vậy, muốn đạt kết quả cao không phải chúng lao đầu vào học, mà có thể bằng mọi cách, dùng vật chất để đạt được điểm cao...

“Một nhà xã hội học đưa ra lời khuyên: Có tiền thì nên đưa vào đầu con, không nên đưa vào tay con. Nếu đưa vào đầu con, ít nhất được hai, ba đời. Còn nếu đưa vào tay con thì không chắc được đời của nó", ông Chất nói.

Chuyên gia tư vấn Thái Hằng cho rằng, đang ở tuổi học trò, các em còn quá nhỏ để hiểu những việc nghiêm túc, nhưng lại nghĩ rằng mình đã quá lớn, đã có quyền quyết định mọi việc trong cuộc sống, vì vậy lắm khi chúng gây ra những chuyện tày đình. Nếu cha mẹ biết quan tâm đúng mực đến con thì sẽ giúp chính con mình bước vào đời một cách đẹp đẽ, an toàn, có một tuổi thơ đẹp, cũng như một tuổi thanh niên giàu ước mơ, sáng tạo, chứ không rơi vào ăn chơi, hư hỏng, hẹp hòi, háo danh, hãnh tiến.

“Tôi tin rằng, mọi bậc cha mẹ đều mong con mình lớn lên sẽ thành đạt, sẽ hạnh phúc. Nhưng do sai lầm về phương pháp giáo dục (chiều con quá, cung phụng con quá, cấp cho con nhiều tiền quá, đánh giá và kỳ vọng về con mình cao quá, và lại không dạy con biết yêu lao động...), hoặc bản thân cha mẹ có lối sống không gương mẫu, thiếu lành mạnh, điều đó hàng ngày ăn sâu trong nhận thức của trẻ, khiến hậu quả là đứa trẻ đó lớn lên thành người hoàn toàn trái ngược với mong muốn, khao khát của cha mẹ, của gia đình...”, chị Thái Hằng nói.

Hồng Nhật

Đọc thêm