Chờ đợi đô thị đẳng cấp dọc sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những dải đất bằng phẳng chạy dọc hai bên bờ sông Hồng qua địa bàn TP Hà Nội được đánh giá có giá trị như kim cương nếu được quy hoạch và đầu tư hợp lý.
Hai bên bờ sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển thành phố dân cư đô thị.
Hai bên bờ sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển thành phố dân cư đô thị.

Phát triển thành phố đa năng

Dù muộn nhưng động thái quyết liệt của Hà Nội trong việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng mới đây đã khiến nhiều người mừng rỡ và mường tượng trong tương lai không xa bộ mặt đô thị ven sông Hồng sẽ hình thành một thành phố lộng lẫy và xa hoa, mang đặc thù ít nơi nào trên thế giới có được.

Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2005, người Hàn Quốc đã miễn phí giúp Hà Nội lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Bởi họ thấy nơi đây đẹp, rất tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi họ đã có kinh nghiệm xây dựng thành phố bên sông Hàn từ trước đó.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho biết, không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư. Theo phân tích của ông Chính, từ ngàn đời nay, tâm lý con người nói chung và người Việt Nam nói riêng thích sinh sống ở khu vực bằng phẳng, gần sông nước.

Hai bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội có địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, những quảng trường và nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông. Khác với hiện nay, đa số nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác.

Cũng theo Chủ tịch VUPDA, đồ án quy hoạch của người Hàn Quốc trước đây cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp.

Nhưng điều đáng mừng, khi Hà Nội mở rộng, đồng nghĩa với việc diện tích ven sông Hồng được mở rộng gấp thêm nhiều lần, tạo thêm không gian, rất tốt để Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị được tốt hơn, đẹp hơn, ý tưởng phong phú hơn.

“Với diện tích đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới” - ông Chính nói.

Chủ tịch VUPDA đánh giá, sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội rất đẹp, uốn lượn từ phía Bắc chảy xuống, mang theo phù sa và những làn gió mát cho hai bên sông. Phong cảnh hai bờ sông đẹp, nhưng rất tiếc hiện nay tại đây có nhiều khu dân cư tự phát, nhếch nhác, mất tính thẩm mỹ.

Đặc biệt, nhiều đoạn sông chưa được quản lý tốt; hạ tầng điện, nước, thoát nước nhiều khu vực ven sông chưa đồng bộ, còn yếu kém và thiếu quy hoạch tầm nhìn nên chưa thu hút được đầu tư. Ngoài ra, có hiện tượng lấn chiếm tự phát của người dân nên khu vực ven sông Hồng chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế, xã hội.

“Hà Nội rất cần quy hoạch sông Hồng. Quy hoạch càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, lãnh đạo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.

Hai bên sông Hồng đang được quy hoạch đến đâu?

Theo tìm hiểu của PLVN, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa có thông tin về quy hoạch 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, thành phố đã tập trung triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu phủ kín quy hoạch, tiến tới quản lý theo quy hoạch.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố đã phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng.

Hiện nay, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xây dựng và đạt được bước tiến lớn. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là vấn đề thoát lũ, phân lũ và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều. Mới đây, Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xin ý kiến về vấn đề này.

Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Bộ này đã nhận được văn bản trên của Hà Nội. Hiện, các đơn vị liên quan của Bộ đang lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học. Khi có kết quả cuối cùng, Bộ này sẽ trả lời Hà Nội và thông tin rộng rãi đến người dân.

Sau khi có sự thống nhất từ Bộ NN&PTNT, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có thể sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay.

Đọc thêm