Những bài học nhãn tiền
Một trong số đó là chợ Sài Gòn – Tân Thanh (thuộc địa phận Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng) được xây trên diện tích khoảng 7.000m2, thiết kế hàng trăm gian hàng dưới mặt đất (không xây cao tầng).
Khi chợ mới hoàn thành, nhiều người đổ xô đến thuê ki ốt kinh doanh. Tùy vào vị trí, giá thuê mỗi ki ốt từ mấy chục triệu đến trăm triệu. Một tiểu thương cho biết, kinh doanh khoảng 6 tháng thì bà bỏ chợ, chấp nhận lỗ cả trăm triệu đồng vì ít khách.
“Nhằm cứu vãn tình hình, chủ đầu tư cho xây bên cạnh chợ một ngôi đền, mong du khách từ xuôi đến lễ sẽ vào chợ mua hàng. Tuy nhiên phương án này không đem lại kết quả, chợ vẫn đìu hiu”, một tiểu thương cho biết.
Hiện chợ Sài Gòn – Tân Thanh nằm “đắp chiếu”, đa số các gian hàng bỏ không. Theo quan sát, cả khu chợ rộng mấy nghìn mét vuông chỉ lác đác vài ba người bày bán ở vị trí mặt tiền thuận lợi, nhưng khách vẫn vắng tanh. Theo tiểu thương, khu chợ vắng khách do ngoài sức mua giảm còn do chợ được xây ở vị trí xa khu dân cư, lại không gần các khu mua sắm cửa khẩu mà du khách hay tham quan.
Một khu chợ hiện đại khác cũng chung “cảnh ngộ” là Trung tâm thương mại Phú Lộc (tên gọi khác là chợ Lạng Sơn, nằm trong Khu đô thị Phú Lộc IV, TP.Lạng Sơn). Được đánh giá hiện đại nhất Lạng Sơn, chợ xây trên diện tích hơn 7.000m2. Tháng 6/2006 chợ được khởi công, hai năm sau công trình hoàn thành; tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư.
Chợ được thiết kế ba tầng, 10 thang máy, 10 thang bộ, khoảng 900 ki ốt. Thời điểm mới khánh thành, một ki ốt tại tầng một rộng khoảng 12m2 được thuê giá 40 triệu đồng/tháng. Nhiều tiểu thương đến thuê kinh doanh, hứa hẹn sớm thu lời.
Thế nhưng, sau ngày khai trương rầm rộ, chợ ngày một vắng vẻ, tiểu thương dần rút khỏi chợ, chấp nhận thua lỗ. Hơn 6 năm nay chợ đóng cửa hoàn toàn. Theo quan sát của phóng viên, hiện các ki ốt ở tầng một được “đắp màn”, bụi phủ; các quầy ở tầng hai và ba đóng cửa im ỉm. Nhìn hệ thống chợ khang trang, hiện đại nhưng vắng tanh, không ít người đau xót vì lãng phí.
Ế ẩm chỏng chơ như vậy nhưng theo một thành viên Ban Quản lý (BQL) chợ cho biết, mỗi năm chủ đầu tư vẫn phải bỏ ra khoảng nửa tỷ đồng để bảo dưỡng, bảo trì chợ và thuê nhân viên bảo vệ. Theo quan sát của phóng viên, bên ngoài chợ Lạng Sơn được một số ngân hàng, nhà thuốc treo biển quảng cáo. Bên trong, một số ki ốt biến thành phòng tập thể dục thẩm mỹ. Câu lạc bộ trượt patin cũng được tập luyện ở tầng ba.
|
Chợ Phú Lộc được đầu tư 200 tỷ đồng đang đóng cửa hơn 6 năm nay |
Trong khi những chợ “đi trước” vắng khách như vậy thì Trung tâm thương mại Đồng Đăng đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và khai trương trong quý I/2016. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Đồng Đăng làm chủ đầu tư, tổng số vốn hơn 300 tỷ đồng, xây trên diện tích hơn 57.000m2. Riêng khu chợ mới sẽ được xây ba tầng, với hơn 800 quầy bán hàng.
Theo quan sát của phóng viên, khu chợ Đồng Đăng mới gần quốc lộ 1A, xa khu dân cư; một bên giáp sân ga Đồng Đăng, một bên giáp quả đồi. Chợ cách chợ cũ hơn 1km. Chính vì chợ mới nằm “trơ trọi”, lại xây cao tầng, khác chợ truyền thống nên tiểu thương chợ cũ lo lắng nếu phải chuyển qua đây.
Ông Trần Văn Lân, cán bộ BQL chợ Đồng Đăng cho biết, đa số tiểu thương trong chợ có tâm lí lo lắng nếu di dời chợ, nhưng do đây là chủ trương của lãnh đạo cấp trên nên BQL chợ chỉ thực hiện đúng chức trách của mình. Ông Nguyễn Thanh Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cũng cho biết, việc di dời chợ là chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Địa phương sẽ thực hiện các bước tuyên truyền, vận động tiểu thương ra khu chợ mới.
Phóng viên cũng liên lạc với ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn để tìm hiểu thông tin về vấn đề trên. Tuy nhiên, ông Hải cho biết đang bận công tác nên chưa thể cung cấp thông tin. Trong khi đó, ông Lê Xuân Lô, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, việc di chuyển chợ Đồng Đăng ra khu Trung tâm thương mại Đồng Đăng là chủ trương chung của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Theo quy hoạch, diện tích chợ cũ sẽ được xây dựng công viên cây xanh.
Đề cập đến việc chợ Phú Lộc vắng khách, phải đóng cửa, ông Lô cho biết Sở Công Thương đã nhiều lần họp bàn với chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu để tiếp tục kinh doanh phát triển chợ Phú Lộc. Việc biến khu chợ thành nơi kinh doanh dịch vụ khác, ông Lô cho biết đã làm việc với BQL chợ và chủ đầu tư. Các đơn vị này thừa nhận việc kinh doanh như vậy là sai mục đích, sẽ có hướng xử lí trong thời gian tới.
Việc tiểu thương chợ Đồng Đăng không đồng ý chuyển sang chợ mới, ông Lô cho biết trách nhiệm tuyên truyền vận động thuộc chính quyền huyện Cao Lộc.
Tiểu thương Phạm Văn Lạc kể, ngày 3/8/2015, Phó Chủ tịch huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Đông cùng BQL chợ và chủ đầu tư đã mở cuộc họp nhằm vận động, tuyên truyền người dân chuyển sang kinh doanh ở khu chợ mới. Tại buổi tuyên truyền, trước lo lắng của bà con “nếu sang chợ mới mà việc kinh doanh vắng vẻ, thua lỗ thì chủ đầu tư và chính quyền có biện pháp nào hoặc đền bù gì cho thiệt hại người dân không?” thì cả đại diện chính quyền và chủ đầu tư đều im lặng, chưa có giải pháp.