Di chuyển chợ Đồng Đăng, hàng trăm tiểu thương lo thất nghiệp

(PLO) - Hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang như “ngồi trên đống lửa” khi nhận được thông tin chính quyền sẽ di chuyển chợ cũ sang chợ mới. Nếu điều này xảy ra, các tiểu thương có nguy cơ thất nghiệp vì chợ mới dễ bị “đìu hiu” khách do xa khu dân cư.
Ngoài bán các mặt hàng thương mại như quần áo, điện tử, chợ Đồng Đăng còn bán các mặt hàng dân sinh rau củ, thịt cá
Ngoài bán các mặt hàng thương mại như quần áo, điện tử, chợ Đồng Đăng còn bán các mặt hàng dân sinh rau củ, thịt cá
Chợ truyền thống nuôi sống người dân
Chợ Đồng Đăng là khu chợ dân sinh truyền thống, có tuổi đời khoảng 120 năm. Chợ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa bà con dân tộc Tày, Nùng trong vùng. Trải qua thời gian, chợ dần lớn mạnh, trở thành một trong những chợ cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, thu hút đông khách du lịch tham quan, mua sắm. 
Ông Trần Văn Lân, Trưởng ban Quản lý chợ Đồng Đăng cho biết, chợ có diện tích hơn 7.000m2, khoảng 500 gian hàng, được xây theo dãy ki - ốt một tầng, thuận tiện cho việc buôn bán. Theo nhiều tiểu thương, chợ Đồng Đăng nuôi sống gia đình họ từ những thế hệ trước. Chợ không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là mảnh đất gắn liền yếu tố văn hóa sinh hoạt cộng đồng. 
Nhiều gia đình vẫn giữ được hình ảnh chợ Đồng Đăng từ thời Pháp thuộc, giờ in lại thành khổ to, đóng khung treo trong nhà làm kỷ niệm. Bức ảnh miêu tả khung cảnh họp chợ của bà con mặc áo xám màu (đặc trưng trang phục của bà con Tày, Nùng ở Lạng Sơn). 
Chợ ngày nay sát đền Mẫu, ngôi đền nổi tiếng lâu đời ở Lạng Sơn, có nhiều du khách miền xuôi đến tham quan. Những du khách này sau đó thường  ghé vào chợ mua sắm. Đây là lượng khách mua hàng chủ yếu ở chợ, với các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ điện tử... “Chúng tôi thu nhập chính từ sức mua của khách du lịch”, một tiểu thương cho biết.
Thế nhưng cách đây không lâu, tiểu thương nhận được thông tin vào đầu năm tới phải di chuyển sang kinh doanh tại một khu trung tâm thương mại mới khiến họ như “ngồi trên đống lửa” vì chợ mới xa khu dân cư, chắc chắn việc kinh doanh bị ảnh hưởng do ít khách.
Nguy cơ thất nghiệp vì chợ mới
Ngày 25/5/2015, một số tiểu thương được Ban Quản lý chợ Đồng Đăng mời lên trụ sở họp mà không được thông báo trước nội dung. Ông Phạm Văn Lạc, một tiểu thương tham dự buổi họp cho biết, ngoài đại diện tiểu thương chợ, Ban Quản lý chợ, có cả cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cao Lộc. “Tại cuộc họp, chúng tôi bất ngờ được thông báo, theo kế hoạch chợ sẽ di dời vào đầu năm 2016”, ông Lạc nói.
Tiểu thương cho biết, trong khi chưa trưng cầu ý kiến người dân về việc di chuyển chợ thì ngay trong buổi họp, đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã đưa ra giấy thống kê bảng giá thanh lý tài sản tại các ki - ốt chợ Đồng Đăng. “Chúng tôi chưa được bàn bạc, chưa được thông báo gì mà đã nhận được giấy tờ thanh lý tài sản tại chợ, vì quá bức xúc nên chúng tôi bỏ về”, đại diện tiểu thương chợ nhớ lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN, ngày 10/3/2015 Sở Công Thương Lạng Sơn có công văn gửi UBND huyện Cao Lộc thông báo: Chợ Đồng Đăng sẽ hoạt động cho đến khi Trung tâm thương mại Đồng Đăng hoàn thành và đưa vào sử dụng (dự kiến đầu năm 2016 – PV). Khi đó chợ Đồng Đăng sẽ được chuyển vào Trung tâm thương mại Đồng Đăng do doanh nghiệp đầu tư xây dựng. 
Việc cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp đơn phương thực hiện các bước di chuyển chợ Đồng Đăng mà không thông báo, trưng cầu ý dân khiến tiểu thương chợ bất bình. Tiểu thương cho biết, mới năm ngoái được Ban Quản lý chợ vận động, mỗi tiểu thương đã bỏ ra khoảng 2 triệu đồng/m2 ki - ốt để cải tạo chợ, như lát lại nền, lợp lại mái. Trung bình mỗi ki - ốt chợ Đồng Đăng rộng khoảng 6m2; chi phí cho việc cải tạo chợ năm ngoái, mỗi tiểu thương bỏ ra hơn 10 triệu đồng.
Theo khảo sát của phóng viên, gần như tất cả tiểu thương đều phản đối việc di dời sang chợ mới. Lí do tiểu thương đưa ra là do Trung tâm thương mại Đồng Đăng được xây xa khu dân cư (cách vị trí chợ cũ hơn 1km) lại cao 4 tầng, không phù hợp với chợ truyền thống, người dân không có thói quen đến mua sắm. 
Ngoài ra, theo bảng giá cho thuê dự kiến, giá thuê ki ốt tại chợ mới đắt hơn chợ cũ khoảng 10 lần. Cụ thể tại chợ mới, tầng một là 250 nghìn đồng/m2, tầng hai 200 nghìn đồng/m2, tầng ba 150 nghìn đồng/m2. Theo thiết kế, ki - ốt tại chợ mới rộng từ 7,5 đến 26m2. Như vậy, mỗi tháng tiểu thương tại tầng một phải bỏ ra từ 2 đến 6,5 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể các dịch vụ khác. 
“Hiện giờ kinh doanh ở chợ cũ quen khách, gần khu dân cư, gần đền Mẫu còn khó khăn, ra đấy thì ai đến mua? Nếu phải chuyển ra chợ mới, có khi chúng tôi phải bỏ kinh doanh, chịu thất nghiệp”, tiểu thương lo lắng.
Một số tiểu thương cho biết, nếu quy hoạch chợ theo hướng xây dựng mới tại chỗ thì họ hoàn toàn ủng hộ.  

Đọc thêm